Việc ra tay giải cứu Ukraine sẽ đặt gánh nặng lên kinh tế Nga, vốn cũng chẳng mạnh khỏe gì vào lúc này
Nước Nga vừa tiến thêm một bước nữa trong nỗ lực ngăn cản Ukraine thiết lập quan hệ gần gũi với Liên hiệp châu Âu (EU) bằng cách hứa mua 15 tỉ USD trái phiếu chính phủ và giảm 1/3 giá khí đốt bán cho Kiev.
Dùng tiền giải cứu Ukraine
Thỏa thuận trên đạt được sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Viktor Yanukovich hôm 17-12. Theo hãng tin Reuters, hai bên đã ký 14 văn kiện hợp tác trong một loạt lĩnh vực như quốc phòng, không gian, kỹ thuật, thương mại… Ngoài ra, theo một số nhà đầu tư, Nga có kế hoạch nối lại các hoạt động cung cấp khí đốt, thông qua một đường ống tới Nhà máy Lọc dầu Odessa của Ukraine trong quý I/2014.
Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov hôm 18-12 tin rằng những kết quả trên sẽ cho phép Ukraine khôi phục tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, phe chống đối lẫn phương Tây không chia sẻ quan điểm này.
Đám đông biểu tình tại Kiev đòi ông Yanukovich từ chức với cáo buộc bán rẻ đất nước cho “các ông chủ” ở Moscow. Trong khi Washington nhận định các thỏa thuận với Điện Kremlin không giải quyết được mối bận tâm của người biểu tình, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng mối quan hệ với Nga không nên ngăn cản Ukraine hướng về phương Tây.
Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp hôm 17-12
Có thể nói Moscow đã thắng lợi bước đầu nhưng chưa trọn vẹn bởi mục tiêu lớn nhất – thuyết phục Ukraine tham gia liên minh hải quan do Nga đứng đầu – vẫn chưa đạt được. Tổng thống Putin thừa nhận sau cuộc hội đàm với ôngYanukovich: “Hai bên không hề bàn về việc Ukraine gia nhập liên minh hải quan”.
“Cây gậy và củ cà rốt”
Ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, nhận định với đài BBC rằng Nga đang dùng chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” để lôi kéo trọn vẹn Ukraine. Theo ông Trenin, trong mắt nhà lãnh đạo Putin, sự cạnh tranh trên thế giới đang ngày một tăng với các đối thủ chính là Mỹ, Trung Quốc, châu Âu. Để thành công hơn nữa, Nga phải mở rộng căn cứ quyền lực của mình bằng cách hình thành một liên minh quân sự, chính trị và kinh tế ở lục địa Á – Âu.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây đã thúc đẩy ông Putin tái khởi động một dự án đã bị trì hoãn từ lâu về hội nhập kinh tế lục địa Á – Âu. Năm 2009, Moscow bắt đầu làm việc nghiêm túc về một liên minh hải quan với Belarus và Kazakhstan. Mục tiêu giờ đây là thành lập Liên minh Kinh tế Á – Âu vào năm 2015. Sự có mặt của Ukraine, một thị trường khoảng 46 triệu dân, sẽ giúp liên minh này có đủ sức mạnh để làm đối trọng với các đối thủ lớn như mong muốn của ông Putin.
Do đó, khi Kiev hướng về phía Tây, thay vì đe dọa trừng phạt, Moscow tìm cách lấy lòng bằng những thỏa thuận mang tính nhượng bộ nêu trên mà không có điều kiện nào đi kèm. Dù vậy, ông Putin cũng bóng gió rằng mọi chuyện có thể thay đổi nếu Ukraine khiến Nga phật lòng khi cho biết thỏa thuận về giá khí đốt chỉ mang tính tạm thời. Vì thế, chính phủ Ukraine dường như không còn con đường nào khác để cứu nền kinh tế ngoài việc đi theo Nga đến cùng.
Dù vậy, việc Nga quyết tâm thu hút Ukraine không phải là không gây ra tác động tiêu cực. Các nhà đầu tư lo lắng việc ra tay giải cứu Ukraine sẽ đặt gánh nặng lên kinh tế Nga, vốn cũng chẳng mạnh khỏe gì vào lúc này.
Theo NLĐ
Bình luận (0)