Nga và Mỹ chính thức đàm phán về hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược trong ngày hôm nay (19-5) tại thủ đô Matxcơva của Nga. Cuộc đàm phán nhằm thay thế hiệp ước START I có từ đầu những năm 1990 và sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Tổng thống Medvedev (bìa trái) đã ký chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga trong đó nhấn mạnh tới cân bằng hạt nhân với Mỹ – Ảnh: Time |
Hiệp ước START I đặt giới hạn ở mức 6.000 cho các đầu đạn hạt nhân chiến lược của hai bên. Hiệp ước START II ký năm 1993 về cắt giảm thêm 2/3 số đầu đạn nữa nhưng do một số trục trặc nên hiệp ước này đã không được triển khai. Ngoài START, việc cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược còn được theo dõi bởi hiệp ước Matxcơva (SORT) được ký năm 2002, trong đó đặt mức trần 1.700-2.200 đầu đạn hạt nhân cho cả hai nước. Vấn đề là hiệp ước SORT không đề cập cách thức kiểm soát số lượng đầu đạn của mỗi bên. Theo một số chuyên gia, Mỹ và Nga có thể giảm số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược của mình xuống dưới 1.000 trong hiệp ước mới. |
Với kho vũ khí hạt nhân, Nga và Mỹ hiện chiếm tới 90% số đầu đạn hạt nhân của thế giới. Các chuyên gia quan hệ quốc tế đánh giá hiệp ước mới sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới an ninh toàn cầu trong thời gian tới. Moscow News trích lời tướng về hưu Vladimir Dvorkin nói: “Đây không phải là vấn đề số lượng các đầu đạn… Việc giảm dần vũ khí hạt nhân là điều kiện tiên quyết cho trật tự an ninh mới”.
Trật tự an ninh mới như ông nói ám chỉ việc không sử dụng biện pháp đe dọa bằng vũ lực, vốn là nền tảng cho hình thái “cân bằng sợ hãi” trong thời chiến tranh lạnh. Ông Dvorkin là người từng tham gia đàm phán hiệp ước cắt giảm SALT và START trong thập niên 1970-1980.
Theo Economist, Nga hiện mong muốn giảm thêm nữa số vũ khí hạt nhân do tình trạng xuống cấp của nhiều đầu đạn. Về phía Mỹ, khác với tổng thống tiền nhiệm, ông Obama cũng có xu hướng ủng hộ việc cắt giảm. Ngoài ra, khởi động lại quan hệ với Nga cũng là trọng tâm đối ngoại của Washington nhằm khắc phục quan hệ đã ít nhiều bị sứt mẻ với Nga quanh hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu cùng ý đồ mở rộng của NATO.
Sau cuộc gặp mới đây vào ngày 8-5 tại Washington với Ngoại trưởng Hillary Clinton, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói: “Hiện đang có cơ hội tốt để đưa quan điểm của chúng ta xích lại gần nhau hơn nhằm đạt được thỏa thuận”. Cả Nga và Mỹ đều mong muốn đạt được kết quả tốt trước khi diễn ra chuyến thăm Matxcơva của Tổng thống Obama vào ngày 6-7 mà chủ đề chính được bàn thảo giữa hai tổng thống sẽ là vấn đề kho vũ khí hạt nhân và các thách thức an ninh mới.
Hủy hay giữ trong kho?
Một điều khiến phía Nga chưa hài lòng là cách thức xử lý đối với các đầu đạn hạt nhân. Tướng về hưu Yevgeny Yevstafiyev nêu: “Chúng tôi hủy các đầu đạn trong khi phía Mỹ cất tên lửa vào kho”.Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Họ có khả năng phục hồi các đầu đạn của mình và chúng tôi không kiểm soát được việc này. Đây là câu hỏi rất quan trọng…”.
Hồi đầu tháng, Nga đã cho công bố chiến lược an ninh quốc gia mới đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh việc duy trì cân bằng hạt nhân chiến lược với Mỹ sẽ là một trong những trọng điểm của chiến lược.
THANH TUẤN (TTO)
Bình luận (0)