Gần mười năm sau cuộc khủng hoảng tài chính 1998, mới đây, giữa tháng 9, thị trường chứng khoán (TTCK) Nga đã phải hứng chịu một đợt chao đảo mạnh. Ngày 16-9, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Nga gần như rơi tự do, với mức sụt giảm đỉnh cao trong gần một chục năm, khiến cơ quan chức năng của Nga ra quyết định ngừng giao dịch trên hai sàn trong vòng một giờ.
Nguyên nhân trực tiếp của sự kiện này là những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính Mỹ, lãi suất vay USD tăng mạnh, giá dầu sụt giảm và sự rút vốn ồ ạt (30 tỷ USD) của giới đầu tư nước ngoài sau cuộc xung đột vũ trang ở Nam Ossetia. Tình hình trong các ngành công nghiệp cũng không khả quan. Có khả năng có đến một phần ba số xí nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã giảm dự báo mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga năm 2008 từ 7,8% xuống còn 7,1% và năm 2009 từ 7,3% xuống còn 6 đến 6,5%. Chuyên gia IMF cho rằng, nền kinh tế Nga hiện phát triển quá nóng và cần phải “hạ nhiệt”.
Trên thực tế, mới cách đây vài tháng, các nhà tài chính và chính trị gia ở Nga vẫn khẳng định, Nga là một thị trường tài chính an toàn và có khả năng “miễn nhiễm” khỏi cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu. Hồi tháng 6, IMF tại Nga kết luận “không có tác động tiêu cực nào từ cuộc khủng hoảng thị trường tài chính toàn cầu tới thị trường Nga”.
Tuy nhiên, cú “sốc” lớn đầu tiên đối với thị trường chứng khoán Nga xuất hiện vào cuối tháng 7, sau khi Thủ tướng V.Putin bất ngờ công khai chỉ trích công ty thép hàng đầu nước này là Mechel vì hành vi lừa bịp giá cả và trốn thuế.
Trước vụ Mechel là vụ tranh chấp gay gắt kéo dài nhiều tháng nhằm giành quyền kiểm soát Công ty dầu TNK-BP giữa hãng BP của Anh và các đối tác Nga. Sau khi xảy ra cuộc xung đột vũ trang ở Nam Ossetia, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút vốn ồ ạt ra khỏi thị trường Nga. Trong khi đó, hai chỉ số chứng khoán của Nga là RTS và MICEX lần lượt giảm 11,5% và 17,45%, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 ở Nga. Tính từ tháng 5-2008 đến nay, chỉ số RTS đã giảm hơn 55%.
Ngày 17-9, Bộ Tài chính Nga cho biết, gần 45 tỷ USD đã được rót để cứu hệ thống ngân hàng Nga. Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương LB Nga bắt đầu áp dụng một nhóm các biện pháp khẩn cấp nhằm ổn định thị trường tài chính và chứng khoán Nga đang bị sụt giảm liên tục. Cơ quan quản lý TTCK cũng buộc thị trường chứng khoán phải ngừng giao dịch do giá biến động quá mạnh. Ba ngân hàng Sberbank, VTB và Gazprombank được cấp khoản tín dụng lên đến 1,13 nghìn tỷ rúp (gần 45 tỷ USD) với thời hạn ba tháng hoặc dài hơn. Ðây là những ngân hàng chính có khả năng giúp hệ thống ngân hàng duy trì thanh khoản. Trong thời gian tới, Ngân hàng trung ương Nga còn áp dụng các biện pháp bổ sung mang tính kỹ thuật nhằm ổn định tình hình trong khu vực ngân hàng.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nga A. Kudrin cho biết, các biện pháp này nhằm giảm nhẹ tác động của những thay đổi đột ngột trên thị trường tài chính, tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng thích nghi tình hình thị trường để cân đối vốn và giải quyết khả năng thanh toán. Bộ trưởng Kudrin cũng cho rằng, tỷ giá đồng rúp sẽ tiếp tục ổn định, bởi Nga có nguồn dự trữ vàng – ngoại tệ dồi dào.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga X.I-gna-trép cho rằng, với những biện pháp trên, tình hình thị trường tài chính-chứng khoán Nga sẽ ổn định trong thời gian tới.
Sau khi gián đoạn giao dịch trong ba ngày, ngày 19-9, thị trường chứng khoán Nga đã mở cửa trở lại. Ngay ở những phút giao dịch đầu tiên, các chỉ số chính của thị trường này đã tăng điểm ngoạn mục.
Theo nhận định của IMF, các biện pháp hỗ trợ thị trường của Chính phủ Nga đã tạo một “tấm đệm” ngăn chặn sự lặp lại của cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 1998. Những biện pháp nói trên đã giúp vực dậy niềm tin của giới đầu tư. Trong vòng vài phút sau khi mở cửa trở lại, chỉ số RTS đã tăng tới 10%, còn chỉ số Micex tăng tới hơn 14%.
Tổng thống Nga D.Medvedev trong ngày 15-9 vừa qua đã lên tiếng trấn an giới đầu tư rằng không xảy ra khủng hoảng tài chính ở Nga, đồng thời khẳng định cam kết của Chính phủ Nga đối với cải cách kinh tế. Kinh tế Nga tiếp tục phát triển, và mặc dù có chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng Nga có thể giải quyết tất cả các vấn đề trên thị trường trong nước bằng nội lực của mình. Ông cho rằng sự tham gia của doanh nghiệp và các thể chế tài chính của Nga trên thị trường này còn quá ít.
Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao để tăng khả năng cạnh tranh của kinh tế đất nước. Ông Medvedev cũng hứa hẹn sẽ tạo điều kiện cho một làn sóng đầu tư mới, nhất là từ các nhà đầu tư Nga.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Nga A.Kudrin cho biết, Chính phủ Nga sẽ đầu tư trực tiếp 250 tỷ rúp (tương đương 10 tỷ USD) vào cổ phiếu của các công ty trong nước để hỗ trợ giá cổ phiếu. Nếu số tiền này chưa đủ, Chính phủ sẽ bơm tiếp 250 tỷ rúp nữa vào thị trường. Ở một động thái khác, thuế xuất khẩu dầu cũng được điều chỉnh giảm mạnh ngoài dự kiến (tuy nhiên, các chuyên gia IMF khuyến cáo Nga không nên giảm thuế đối với lĩnh vực dầu mỏ).
Giới quan sát nhận định, đối với nước Nga, nỗi lo ngại lớn nhất lúc này là cuộc khủng hoảng ở phố Uôn (Mỹ) sẽ khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh, khiến giá dầu – mặt hàng xuất khẩu số một của nước này – giảm mạnh hơn. Nhiều chuyên gia Nga cho rằng, lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng tín dụng ở Nga xuất phát từ “cách xử lý của giới lãnh đạo tài chính Nga”. Nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ để kinh tế Nga vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trong thời điểm hiện nay, khi giá dầu và khí đốt thế giới đang tăng lên, từ đó thu nhập do bán dầu khí cũng tăng lên, và do đó, có lý do để tin tưởng rằng LB Nga sẽ chống đỡ được cuộc khủng hoảng tài chính.
Ông Crít Oe-phơ, Trưởng ban chiến lược của Ngân hàng UralSib, có trụ sở tại Moscow, cảnh báo có khả năng sẽ xảy ra thảm họa khủng khiếp nếu tình hình không được giải quyết một cách hợp lý.
Theo ông Oe-phơ, Nga có tiềm lực tài chính để vượt qua “cơn bão” này, nhưng nếu không sử dụng một cách hợp lý hoặc giải quyết những vấn đề này một cách thích hợp, thì cho dù có bao nhiêu tiền, khủng hoảng chắc chắn vẫn xảy ra và đó là lý do tại sao thị trường đi xuống.
Ngày 25-9, ông Tôm-xen, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu đồng thời là Trưởng Văn phòng đại diện của IMF tại Nga đã có cuộc tham vấn với các quan chức Nga, thảo luận về triển vọng kinh tế Nga trước những tác động của tình hình khó khăn trên thị trường tài chính thế giới, ông Tôm-xen cho rằng, nền kinh tế Nga được bảo vệ khá tốt trước các “cú sốc”. Nhờ áp dụng chính sách ngân sách – thuế đúng đắn trong vài năm qua, những khoản dự trữ trong các quỹ quốc gia của Nga có thể giúp bù đắp tới 85% sự suy giảm nguồn thu ngân sách do giá dầu hạ. Thậm chí nếu giá dầu năm 2008 có xuống tới mức 60 USD/thùng thì ngân sách của Nga vẫn giữ được cân bằng.
Theo ông Tôm-xen, IMF cũng không thấy có nguy cơ mang tính hệ thống trong lĩnh vực ngân hàng của Nga. Ông thừa nhận hệ thống giải quyết khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính của Nga đã được hoàn thiện đáng kể và hiện nhìn chung có khả năng “thích ứng” cao. Ngoài ra, Nga còn có một hệ thống toàn diện bảo đảm cho các khoản tiền gửi.
Ông Tôm-xen đánh giá Chính phủ Nga đã áp dụng những biện pháp đúng đắn và kịp thời để hỗ trợ khả năng thanh toán của hệ thống ngân hàng, đồng thời cũng không quên kiềm chế lạm phát.
HOÀNG LIÊN (nhandan.com.vn)
Bình luận (0)