Nga cung cấp hơn một nửa vũ khí cho châu Phi, nhiều gấp đôi nhà cung cấp thứ hai là Pháp, theo sau là Mỹ và Trung Quốc, các nhà phân tích cho biết.
Theo ông Joseph Siegle, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Phi thuộc ĐH Quốc phòng ở Washington, những khách hàng lớn mua vũ khí nhiều nhất của Nga ở châu Phi gồm Algeria, Ai Cập, Sudan và Angola.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bắt đầu tiến vào châu lục này bằng cách bán xe bọc thép và bệ phóng tên lửa cho các khách hàng lớn của Nga.
Theo ông John Calabrese, giám đốc dự án Trung Đông – châu Á thuộc ĐH Hoa Kỳ ở Washington, trong khoảng 5 năm qua, cạnh tranh bán vũ khí cho châu Phi ngày càng tăng nhiệt, khi những khách hàng lớn như Ai Cập đang muốn đa dạng hóa nguồn cung.
“Có thể Trung Quốc đang cố gắng tranh thủ lúc Nga bị trừng phạt để nhảy vào những thị trường này”, ông Calabrese nói với SCMP.
Các nhà cung cấp khác như Pháp cũng có thể tìm cách lấp vào chỗ trống.
Ông Moses B. Khanyile, giám đốc Trung tâm nghiên cứu quân sự tại ĐH Stellenbosch Nam Phi, cho rằng với sự phổ biến của vũ khí và thiết bị quân sự Nga ở châu Phi, các lệnh trừng phạt sẽ khiến những khách hàng đã mua gặp nhiều khó khăn trong việc bảo trì và sửa chữa.
Ông Khanyile cho rằng Trung Quốc có thể hưởng lợi lớn từ khoảng trống mà Nga để lại, và các hợp đồng vũ khí có thể được hỗ trợ bởi quan hệ thương mại và ngoại giao tốt đẹp mà Trung Quốc đã có với các nước châu Phi.
Hầu hết số tiền này được dùng để mua máy bay quân sự, trang thiết bị và huấn luyện, cũng như để làm nhà cho quân đội và cảnh sát.
Khoảng 60%, tương đương 2,1 tỷ USD, được cung cấp cho Zambia. Quốc gia này cũng nhận được nhiều khoản vay khác từ Trung Quốc để xây đường cao tốc, đập thủy điện và sân bay. Zambia là nước vay Trung Quốc nhiều thứ ba ở châu Phi, chỉ sau Sierra Leone (16 triệu USD) và Namibia (9 triệu USD).
Ông Jyhjong Hwang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm dữ liệu về các khoản vay của Trung Quốc cho châu Phi thuộc ĐH Boston, cho biết Zambia là nước tiếp nhận nhiều nhất các khoản vay của Trung Quốc để mua sắm quốc phòng, vì những lợi ích lịch sử, chiến lược và nội bộ.
Theo nhà nghiên cứu này, khi Rhodesia (sau này trở thành Zimbabwe) đe dọa Zambia bằng lệnh cấm vận và xâm phạm không phận Zambia vào năm 1964, lời cầu cứu gửi đến phương Tây gặp phải thái độ lạnh lùng. Trung Quốc nhanh chóng đề xuất xây một tuyến đường sắt kết nối quốc gia không có biển này với cảng Dar es Salaam của Tanzania.
Những sự kiện này tạo nên quan hệ tốt đẹp giữa hai chính phủ Zambia và Trung Quốc. Bên cạnh đó, các vũ khí của Trung Quốc có giá rẻ hơn.
Trung Quốc đã bán nhiều máy bay cho Zambia, trong đó có các máy bay tiêm kích J-6, máy bay vận tải MA60 và Y-12, trực thăng chiến đấu và huấn luyện phi công.
Bình luận (0)