Hội nhậpThế giới 24h

Nga – Ukraina đối mặt tại tòa án tối cao của Liên Hợp Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Nga và Ukraina đối mặt tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague, Hà Lan của Liên Hợp Quốc trong ngày 6.6 cho vụ kiện do Kiev đệ trình từ năm 2017.
Ukraina và Nga đưa ra lập luận trước các thẩm phán của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague, Hà Lan trong ngày 6.6.
Theo thông cáo của Tòa án Công lý Quốc tế, các luật sư của Ukraina sẽ phát biểu lúc 10h sáng 6.6, giờ địa phương trong khi các luật sư của Nga sẽ phát biểu trước toà ngày 8.6. Sau đó, Ukraina sẽ phản hồi ngày 12.6 và Nga vào ngày 14.6.
Tòa án Công lý Quốc tế được thành lập sau Thế chiến 2 để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Những phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế mang tính ràng buộc nhưng không có phương tiện để thực thi.
Ukraina cáo buộc Nga đã vi phạm các công ước của Liên Hợp Quốc về tài trợ khủng bố và phân biệt chủng tộc, đồng thời đòi bồi thường thiệt hại cho các cuộc tấn công do lực lượng thân Nga thực hiện ở miền đông Ukraina từ năm 2014.
Khoảng 13.000 người đã chết trong 8 năm xung đột ở miền đông Ukraina trước khi xung đột nổ ra tháng 2.2022.
Ukraina cáo buộc Nga đã cung cấp vũ khí, tiền mặt cho lực lượng nổi dậy ly khai ở Ukraina từ năm 2014.
Nga đã phủ nhận mọi liên quan tới lực lượng ly khai. Kể từ khi xung đột ở Ukraina nổ ra, Nga hiện kiểm soát phần lớn lãnh thổ nơi bạo lực xảy ra và nơi phe ly khai nắm quyền.
Tại miền đông Ukraina, trong số những người thiệt mạng cũng bao gồm 298 người trên chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines. Chuyến bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur bị tên lửa BUK do Nga sản xuất bắn hạ vào tháng 7.2014 trên lãnh thổ do lực lượng ly khai kiểm soát.
Năm ngoái, một toà án Hà Lan phán quyết Mátxcơva đã trực tiếp kiểm soát lực lượng ly khai khi kết án vắng 2 hai người Nga và 1 người ly khai Ukraina về vụ MH17.
Ngoài ra, Ukraina cũng đã đệ trình vụ kiện riêng liên quan đến xung đột mà Nga bắt đầu tháng 2.2022. Trong vụ kiện này, Tòa án Công lý Quốc tế đã ra phán quyết yêu cầu Nga ngừng xung đột.
Nga đối mặt với một loạt các hành động pháp lý ở The Hague về cuộc xung đột ở Ukraina.
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) – tòa án tội phạm chiến tranh độc lập giống như Toà án Công lý Quốc tế cũng có trụ sở tại thành phố The Hague của Hà Lan, đã phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 3 năm nay.
Ông Putin bị ICC cáo buộc tội trục xuất bất hợp pháp trẻ em từ các khu vực bị chiếm đóng của Ukraina sang Nga.
PV (theo laodong)

Bình luận (0)