Hội nhậpThế giới 24h

Nga – Ukraine hướng đến giải pháp hòa bình?

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết chính phủ ông muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Liên Hiệp Quốc trong tháng 2-2023

Cả Ukraine và Nga vừa có những động thái ít nhiều mang lại hy vọng cho cuộc xung đột đã bước sang tháng thứ 11. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 26-12 cho biết đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, theo đó, nhờ New Delhi giúp triển khai "một công thức hòa bình" liên quan đến cuộc khủng hoảng.

Cuộc điện đàm trên diễn ra vào thời điểm Ấn Độ vừa đảm nhận chức Chủ tịch G20 (nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) năm 2023. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ở Bali – Indonesia vào tháng rồi, ông Zelensky đã đề nghị G20 ủng hộ công thức hòa bình 10 điểm của Ukraine để chấm dứt xung đột và giờ đây muốn Ấn Độ tham gia triển khai nó.

 Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc điện đàm nói trên, chính phủ Ấn Độ cho biết Thủ tướng Modi tiếp tục kêu gọi chấm dứt ngay "sự thù địch" ở Ukraine và ủng hộ mọi nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Trước đó, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào đầu tháng 12, ông Modi đã đưa ra lời kêu gọi đối thoại và ngoại giao để chấm dứt giao tranh ở Ukraine.

Cũng trong ngày 26-12, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết chính phủ ông muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong tháng 2-2023 với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres có thể đóng vai trò trung gian hòa giải.

Nga - Ukraine hướng đến giải pháp hòa bình? - Ảnh 1.

Phái đoàn Nga và Ukraine tại một cuộc đàm phán ở TP Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29-3. Ảnh: Reuters

LHQ đã có phản ứng thận trọng trước thông tin này khi nhấn mạnh ông Guterres chỉ có thể làm trung gian hòa giải nếu mọi bên muốn ông làm thế. Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với hãng tin RIA Novosti rằng "Nga không bao giờ tuân theo các điều kiện do người khác đặt ra".

Vào tuần rồi, Moscow nhấn mạnh không có kế hoạch hòa bình nào của Ukraine thành công nếu không tính đến "những thực tế của hiện tại vốn không thể bỏ qua". Theo AP, lời lẽ này có ý nhắc đến yêu cầu Kiev công nhận chủ quyền của Moscow đối với bán đảo Crimea và một số lãnh thổ khác được Nga sáp nhập từ Ukraine.

Sau đó, trong cuộc phỏng vấn phát trên đài truyền hình Rossiya 1 hôm 25-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan về "một số giải pháp có thể chấp nhận được" để chấm dứt giao tranh. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cho rằng Nga không phải là bên từ chối đàm phán mà là Ukraine và các nước hậu thuẫn cho Kiev.

 Ông Putin cũng khẳng định Moscow "không có lựa chọn khác" và đang đi đúng hướng trong việc bảo vệ lợi ích của quốc gia và người dân. Trước đó vài ngày, theo Reuters, nhà lãnh đạo Nga khẳng định nước này muốn chiến sự chấm dứt ở Ukraine và điều này chắc chắn liên quan đến một giải pháp ngoại giao.

Phản ứng trước tuyên bố trên, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của tổng thống Ukraine, cho rằng Moscow không muốn đàm phán mà đang tìm cách "tránh né trách nhiệm". Phía Mỹ cũng không tin Nga xem trọng chuyện thương thảo.

Ông John Kirby, phát ngôn viên Nhà Trắng, cho biết Tổng thống Joe Biden sẵn sàng đàm phán với ông Vladimir Putin nhưng điều này chỉ diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Nga "nghiêm túc" về vấn đề này và Washington tham vấn với Ukraine và các đồng minh. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng cuộc xung đột có thể chấm dứt nếu lực lượng Nga rời đi. 

Thông điệp mạnh từ Moscow

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm 26-12 cho rằng Ukraine biết rõ các đề xuất của Moscow và phải thực hiện chúng vì lợi ích của Kiev hoặc quân đội Nga sẽ quyết định vấn đề này. Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS, ông Lavrov cho biết các yêu cầu của chính quyền Moscow là về phi quân sự hóa, phi hạt nhân hóa Ukraine và loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh Nga.

Ngoài ra, theo đài Al Jazeera, một đòi hỏi khác là Ukraine từ bỏ những lãnh thổ mà Nga kiểm soát. Khi được hỏi về vấn đề cuộc xung đột sẽ kéo dài bao lâu, Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov cho rằng điều này phụ thuộc vào hành động của Ukraine và Mỹ.

Hồi tháng 9-2022, Moscow tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson sau khi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân. Ukraine và các đồng minh đã gọi động thái này là bất hợp pháp. Kiev cho đến giờ vẫn bác bỏ chuyện nhường lãnh thổ cho Moscow để đổi lấy hòa bình.

Hồi tháng 11, ông Zelensky tuyên bố Ukraine sẵn sàng thương thảo với Nga nếu một số điều kiện được đáp ứng, trong đó có khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, bồi thường tổn thất do giao tranh gây ra cho Kiev, tôn trọng Hiến chương LHQ, bảo đảm xung đột không xảy ra nữa…

Xuân Mai

Theo Hoàng Phương/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)