Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov hôm 30-5 cho rằng Trung Quốc có thể sắp xếp một hội nghị hòa bình mà Nga và Ukraine cùng tham gia.
Theo hãng tin TASS, ông Lavrov nhấn mạnh mục tiêu của sự kiện sắp tới không phải là "xem xét các cách thức giải quyết xung đột xung quanh Ukraine như tuyên bố", mà là thảo luận và đưa ra "một tối hậu thư" không thể chấp nhận được đối với Moscow.
Cũng trong ngày 29-5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga đang tìm cách phá hoại "Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình toàn cầu" nói trên bằng cách gây áp lực để các quốc gia không tham dự.
Theo Reuters, nhà lãnh đạo Ukraine muốn hội nghị sắp tới sẽ hình thành một mặt trận để gây áp lực lên Nga, đồng thời thúc đẩy "công thức hòa bình" của ông, trong đó kêu gọi rút quân Nga và khôi phục lại biên giới năm 1991 của Kiev.
Binh sĩ Ukraine tại vùng Kharkiv hôm 20-5. Ảnh: Reuters
Tổng thống Ukraine gần đây cho biết 80 nước đã xác nhận tham dự hội nghị, đồng thời mời Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Thụy Sĩ.
Phản hồi lời mời này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 27-5 cho biết Bắc Kinh ủng hộ một hội nghị hòa bình quốc tế được cả Nga và Ukraine công nhận, diễn ra vào "thời điểm phù hợp", có "sự tham dự bình đẳng của tất cả các bên" và "cuộc thảo luận công bằng" về các kế hoạch hòa bình.
Nga không được mời và gọi sự kiện là vô nghĩa khi không có sự tham dự của họ. Moscow cũng nhấn mạnh mọi cuộc thảo luận phải tính đến "những thực tế mới", trong đó có việc Nga đang kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine.
Một vấn đề được tranh luận nhiều trước thềm hội nghị là liệu Ukraine có được phép sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga hay không.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vào tuần rồi thúc giục các nước thành viên xem xét bật đèn xanh về vấn đề này. Đến ngày 29-5, đại diện Phần Lan, Canada và Ba Lan đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí mà các nước này viện trợ để nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Cùng ngày, theo đài NHK, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken không bác bỏ khả năng Washington cho phép Kiev sử dụng vũ khí Mỹ để làm điều tương tự.
Trong cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 28-5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng bất ngờ bày tỏ sự ủng hộ dù trước đó từng lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng với Moscow.
Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo quân đội Nga đã chuẩn bị các biện pháp đối phó kịch bản "gây leo thang căng thẳng" này.
Theo Hoàng Phương/NLĐO
Bình luận (0)