Các quốc gia phương Tây không ngừng mua năng lượng của Nga bất chấp các biện pháp trừng phạt chưa từng có mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang áp đặt với Nga.
Thông tin được Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Nikolay Shulginov chia sẻ với kênh truyền hình Russia 1. Theo ông, các quốc gia này chuyển sang các phương án đi đường vòng để mua hàng nhập khẩu của Nga.
Nhà máy diesel ở mỏ dầu Yarakta, thuộc sở hữu của Công ty Dầu mỏ Irkutsk (INK), ở vùng Irkutsk, Nga.
Khi được hỏi liệu các nước phương Tây có còn mua dầu và khí đốt của Nga thông qua các tuyến thay thế hay không, ông Shulginov cho biết, thông tin này là “chính xác”. Tuy nhiên, ông không nói rõ tuyến đường cụ thể nào được sử dụng để cung cấp năng lượng của Nga cho khách hàng phương Tây.
Tháng 12.2022, EU, G7 và các đồng minh đã phát lệnh cấm chung với với hoạt động xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga, với mức giá trần là 60 USD/thùng. Một lệnh cấm vận khác cấm gần như tất cả hoạt động nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga, cũng như áp giá trần với dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác, có hiệu lực vào ngày 5.2.
Dù xuất khẩu khí đốt của Nga qua đường ống không đối mặt với các hạn chế nhưng xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU đã giảm mạnh sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream 1 và 2 vào tháng 9.2022. Theo Politico, tính đến giữa tháng 5, EU vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về việc có nên trừng phạt khí đốt Nga xuất khẩu qua đường ống hay không.
Tháng 3 năm nay, Bloomberg đưa tin, một số quốc gia EU đã tích cực mua khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) của Nga, trong đó Tây Ban Nha đứng đầu danh sách khách hàng trong đầu năm 2023. Nhập khẩu LNG của Nga vào Tây Ban Nha tăng 84% kể từ khi bắt đầu xung đột Ukraina. Pháp cũng nổi lên như một nhà nhập khẩu LNG lớn của Nga, mua 1,9 triệu tấn nhiên liệu trong năm 2022.
Tây Ban Nha cũng là nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của Nga trong khoảng thời gian từ ngày 1.1 đến ngày 9.3 năm nay, tiếp sau là Bỉ và Bulgaria.
Đầu tháng 5, EU đề nghị cấm các tàu đã vi phạm lệnh trừng phạt dầu mỏ của Nga đi vào các cảng và tuyến đường thủy của EU trong khuôn khổ gói trừng phạt mới. Sau đó, cao uỷ phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell kêu gọi khối cấm nhiên liệu của Ấn Độ được sản xuất từ dầu mỏ của Nga.
Nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ từ Nga tăng gấp 10 lần trong năm tài khoá kết thúc vào ngày 31.3, Ngân hàng Baroda – đơn vị cho vay khu vực công lớn thứ hai của quốc gia Nam Á này thông tin vào tháng 5. Trong bối cảnh phương Tây trừng phạt, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là châu Á và Mỹ Latin.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)