Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ngại dấn thân, trí thức trẻ mất nhiều hơn được

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
“Chào cô chú, anh chị. Chúc quý khách một ngày mới tốt lành…”. Những lời chào mời bán hàng, nụ cười tươi, rất dễ bắt gặp ở nhiều góc ngã tư đường. Trong số đó có nhiều người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng; cũng có những bạn đang là sinh viên của một số trường đại học có tiếng trên địa bàn TPHCM. 

Sinh viên năm 2 một trường đại học, bán cà phê mang đi  tại góc đường Võ Văn Tần - Trương Định, quận 3  (ảnh chụp trưa 15-12). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Sinh viên năm 2 một trường đại học, bán cà phê mang đi tại góc đường Võ Văn Tần – Trương Định, quận 3 (ảnh chụp trưa 15-12).

Sự lựa chọn tạm thời 
“Bà còn bán quần áo, nước ép trái cây, cà phê… như trước không?”, tiếng một cô gái hỏi bạn. Người được hỏi trả lời: “Tui vẫn còn nhưng cạnh tranh ghê quá. Cà phê nhượng quyền, thời trang may theo phong cách các thương hiệu nổi tiếng… tui đều kinh doanh, nhưng thu nhập kém lắm. Tính ra phí công mấy năm cày cuốc, học hành ở giảng đường đại học”. 
Cuộc chuyện trò tưởng chừng vô thưởng vô phạt của 2 cô gái trẻ là những gì đang diễn ra hiện nay. Nguyễn Phương Mai Linh đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngữ văn Anh hơn 3 năm trước, vẫn loay hoay đủ cách để tìm việc làm. Cách nay vài tháng, Mai Linh nghỉ phụ việc tại một quán cà phê ở quận 1, hiện đang phụ mẹ bán trái cây, thực phẩm tươi trên mạng. “Mẹ mình rất lo nên giục mình đi ôn lại và xin vào trợ giảng tại trung tâm Anh ngữ gần nhà”, Nguyễn Phương Mai Linh tâm sự. 
Anh Thi, cựu sinh viên Trường Đại học Văn hóa TPHCM, hiện đang phụ trách công tác nhân sự cho một trường học ở quận Tân Bình, chia sẻ, trong số những người bạn cũ của Thi, chỉ vài người chịu theo nghề mình đã chọn. Số còn lại làm thêm đủ việc, từ chạy xe công nghệ đến giao hàng nhanh, buôn bán. Thời buổi này kiếm được một việc làm, theo Thi không hề khó, nhưng để có mức lương phù hợp lại không dễ dàng. Nhiều người chấp nhận gắn bó tạm với công việc thời vụ. Cũng có người làm tạm tới 4 – 5 năm, rồi gắn bó luôn vì ngại thay đổi. Anh Thi phân tích, nếu làm một công việc có tính lặp lại, không đầu tư chất xám quá nhiều như chạy xe ôm, bán nước vỉa hè… sẽ khiến người ta không muốn thay đổi công việc đã chọn. 
Một quán súp cua trên đường Tô Ký (quận 12) thường xuyên tuyển nhân viên bán hàng theo ca, thu nhập khoảng 3 – 4 triệu đồng/tháng. Nơi đây cũng thường tiếp nhận các sinh viên năm nhất, năm hai ở các trường đại học, cao đẳng gần đó. Chị Ngọc Anh, một trong những nhân viên tại quán, nói: “Tui không biết chỗ khác thế nào, còn ở đây mọi người đều phụ giúp nhau khá tốt. Mấy em nhỏ vừa làm vừa học để có thêm sinh hoạt phí, có đứa kiên trì công việc tới khi ra trường, nên tụi tui mến lắm”, chị Ngọc Anh nói. 
Cần có hướng đi thích hợp
Thực tế, sinh viên, người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng xoay trở đủ nghề để kiếm sống không có gì là lạ. Không riêng Việt Nam mà tại nhiều nước, người trẻ cũng đang “vật lộn” với tình trạng này. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây còn là tín hiệu đáng mừng, nếu nhìn nhận một cách tích cực sẽ thấy khả năng thích nghi của lớp trẻ. Nhưng nhìn xa hơn lại là điều lo lắng, bởi đây không phải là sự lựa chọn khả quan cho một xã hội phát triển.   
Về góc độ này, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM Trần Anh Tuấn cho rằng, nhìn vào toàn cảnh nền kinh tế đầy biến động, khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, người lao động, nhất là người trẻ sẽ tìm đủ cách mưu sinh nhằm duy trì cuộc sống. Có những em chọn công việc bán cà phê, bánh mì, xôi lề đường; chạy xe ôm công nghệ. Các em lựa chọn công việc này dù không ít người tốt nghiệp đại học, cao đẳng, vì đây là những việc dễ làm, không quá gò bó, thích thì làm không thích thì nghỉ, không bị sếp quản lý… Chưa kể, mặt bằng thu nhập mỗi tháng cũng tốt hơn so với một số ngành nghề nhất định.
“Tuy nhiên, bài toán này chỉ giải quyết vấn đề tạm thời, lấy ngắn nuôi dài. Ở góc độ tích cực, các bạn trẻ năng động bươn chải giúp trau dồi thêm kiến thức, tích lũy kinh nghiệm; nhưng xét về lâu về dài, công việc tạm này gây ra sự lãng phí lớn về đào tạo. Khi có quá nhiều người trẻ gắn với công việc bán hàng lề đường, chạy xe công nghệ… sẽ không ổn. Bởi một xã hội phát triển luôn gắn với nền công nghệ tri thức, có những lao động lành nghề trình độ cao”, ông Tuấn nói. 
Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên cung ứng dịch vụ (truyền thông, du học) đánh giá, cũng khó trách các bạn trẻ khi mà mức lương nhiều nơi trả chưa tương xứng với năng lực các bạn. Thế nhưng, ở chiều hướng ngược lại, chính các doanh nghiệp cũng đang mệt mỏi với việc phải đào tạo lại từ đầu cho các bạn trẻ vừa mới tốt nghiệp, vì độ vênh giữa lý thuyết với thực hành khá lớn.  
Do vậy, Thạc sĩ Nguyễn Minh Mẫn, chuyên gia du lịch kiêm giảng viên thỉnh giảng tại một số trường đại học, góp ý rằng, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ khi các em còn học phổ thông là rất quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp ngành, không riêng gì Bộ GD-ĐT. Về phía các bạn trẻ, cũng cần nỗ lực nhiều hơn, tích lũy thêm kinh nghiệm và vốn sống, sẽ giúp các em có sức bền đeo đuổi đam mê của mình.
GIA HÂN (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)