Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngại học chuyên ngành bằng tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM luyện nghe tiếng Anh trong giờ tự học

Có trường đã tiến hành dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh cho SV gần chục năm qua nhưng cũng có những đơn vị hiện mới bắt đầu thí điểm. Có được sự hưởng ứng lẫn hiệu quả thực sự trong sinh viên đối với cách dạy này không phải dễ…
Vừa ít người học…
TS. Bùi Trân Phượng (Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen) nhận định, nhu cầu học chuyên ngành bằng tiếng Anh là rất lớn nhưng khi thực hiện vướng rất nhiều rào cản. Bà Phượng dẫn chứng, đối với 5 ngành đầu tiên thực hiện thí điểm tại trường mới đây, có đến 60% SV đăng ký (gấp đôi con số dự kiến ban đầu) nhưng thực tế khi đi vào chương trình học, sĩ số sụt giảm nghiêm trọng. Theo bà Phượng, lý do không phải do năng lực người dạy, chương trình mà sự e ngại của SV khi bỏ ra cao hơn 20% học phí, nhiều thời gian đầu tư nhưng vì chương trình học nặng, khó khiến điểm số đạt được thấp hơn những sinh viên học bình thường. Và quan trọng, bằng cấp khi tốt nghiệp lại được công nhận như nhau, từ đó không tạo được động lực phấn đấu cho người học. PGS.TS Bùi Xuân Lâm (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM) thống kê, trên 80% SV tại trường không thể học ngay chuyên môn bằng tiếng Anh, phải bỏ hẳn một học kỳ đầu tiên để học, củng cố lại trình độ căn bản. Nguyên nhân theo PGS.TS Lâm, chất lượng học ngoại ngữ này của các em ở cấp dưới rất yếu.
Kinh nghiệm đào tạo chuyên ngành bằng tiếng Anh tại những trường “đi trước” như ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế)… cho thấy số SV tốt nghiệp có việc làm cao, được nhiều nhà tuyển dụng rào đón. Cụ thể, tại ĐH Hà Nội, 75% SV tốt nghiệp 6 ngành quản trị kinh doanh, quản trị du lịch, tài chính – ngân hàng, kế toán, quốc tế học và công nghệ thông tin có việc làm ngay trong năm đầu tiên tốt nghiệp. Nhiều em được các công ty nước ngoài “đặt cọc” ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Hầu hết các trường đều cho rằng, đầu vào thấp (do chất lượng đào tạo bậc phổ thông yếu kém) là một trong những nguyên nhân khiến cho việc đào tạo chuyên ngành bằng tiếng Anh ở bậc ĐH gặp khó.
Lại hiếm giảng viên
TS. Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng bộ phận Thường trực Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 – Bộ GD-ĐT) cũng đánh giá, thời gian qua, ngoại ngữ vẫn được dạy như một môn kiến thức chứ không phải kỹ năng, chủ yếu phục vụ thi cử. Việc thi cuối cấp, thi ĐH vẫn tập trung nhiều vào ngữ pháp – đọc – dịch… Giáo viên vẫn là trung tâm của giảng dạy thay vì HS-SV. Trong khi đó, chương trình và sách giáo khoa lại chú trọng nhiều đến ngôn ngữ hơn là phát triển kỹ năng; lấy giáo trình thay cho chương trình; thiếu thốn trang thiết bị (nếu có lại không có phần mềm hoặc người biết khai thác sử dụng); mỗi nơi mỗi kiểu thi, kiểm tra, thiếu chuẩn chung thống nhất… Theo TS. Hùng, việc giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh không nên tiến hành đồng loạt cho tất cả các ngành. Thay vào đó, các trường nên có lộ trình, bắt đầu từ 1-2 ngành học sau đó tăng dần lên ở các năm sau.
Thực tế, có một nghịch lý là giáo viên chuyên ngành thường không thạo ngoại ngữ, ngược lại giáo viên chuyên ngoại ngữ lại không nắm rõ kiến thức chuyên ngành. TS. Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Đào tạo đại cương Trường ĐH Hà Nội) cho rằng: “Việc tuyển dụng giáo viên dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ đã khó, giữ chân được họ còn khó hơn. Do đặc thù công việc, việc soạn bài, đứng lớp của nhóm giáo viên này thường mất nhiều thời gian và công sức trong khi thù lao không cao do học phí cố định”. TS. Lâm cũng nêu khó khăn, việc tìm kiếm giáo viên dạy tiếng Anh đã không đơn giản, giáo viên dạy chuyên môn bằng tiếng Anh càng hiếm, nhất là ở ngành quản trị kinh doanh. Trong khi đó, thù lao phải trả rất cao. Thù lao cho cả giảng dạy và làm chương trình đối với giảng viên cao học nước ngoài tại trường là 30-40 USD/tiết; giảng viên trong nước là 10-15 USD/tiết. Theo các trường, lý tưởng nhất là tuyển đội ngũ giáo viên chuyên ngành tốt nghiệp ở nước ngoài, sẽ đảm bảo thông thạo ngoại ngữ. Song song đó, có thể đào tạo chuyên ngành cho giáo viên ngoại ngữ có nguyện vọng mở rộng kiến thức. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tăng cường chính sách khuyến khích đội ngũ giáo viên (thông qua học bổng nâng cao trình độ tại nước ngoài đi kèm cam kết cống hiến cho trường) và tăng thù lao giờ dạy với chính sách học phí linh hoạt.
Bài, ảnh: Mê Tâm
 
4 thách thức đối với SV trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ:
– Thiếu phương pháp tự học và tự quản lý thời gian.
– Không tự giác, thầy “bảo”, cô “dặn”, khoa “bắt”, trường “dọa” mới chịu học.
– Nhiều trình độ khác nhau.
– Thiếu điều kiện (máy tính) phục vụ học tập.
TS. Nguyễn Ngọc Hùng
(Trưởng bộ phận Thường trực Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 – Bộ GD-ĐT)
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)