Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ngắm hoa ban trắng ở xứ ngàn hoa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Dù đã có mặt cũng khá lâu trên thành phố ngàn hoa, lại nở hoa đúng vào dịp trước thềm xuân mới. Nhưng do bị mai anh đào rực hồng “lấn át” nên những hàng hoa ban nở trắng Tây Nguyên chưa được nhiều người để ý…

Hoa ban nở trắng trên đường Quang Trung, Đà Lạt

Hoa Tây Bắc trắng trời Tây Nguyên

Những năm gần đây, cư dân phố núi sương mờ và du khách đến Đà Lạt trước thềm mỗi mùa xuân mới đều rất ngỡ ngàng trước một loài hoa đặc trưng miền núi Tây Bắc nở trắng trời Tây Nguyên – Hoa ban trắng.

Ban đầu, cư dân “thành phố ngàn hoa” thấy rất xa lạ với loài cây to lớn có mặt trên một số tuyến đường Quang Trung, Yersin, Trần Phú (đoạn chạy qua trước Nhà thờ con gà), Phù Đổng Thiên Vương… Về sau, hoa ban nở trắng xen lẫn màu hồng phớt của mai anh đào tạo thành bức tranh mùa xuân sinh động phố núi khiến người dân và du khách ngẩn ngơ…

Ban trắng có tên khoa học là Bauhinia variegata, có nguồn gốc ở miền Đông Nam châu Á. Từ miền Nam Trung Quốc kéo dài về phía Tây tới Ấn Độ. Ở Việt Nam, hoa ban trắng được người dân tộc Thái trồng rất nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc và thường nở hoa vào mùa xuân; đây là biểu tượng văn hóa của vùng Tây Bắc.

Năm 2007, lần đầu tiên Công ty Quản lý công trình đô thị Thành phố Đà Lạt đã mang giống cây hoa ban trắng của miền Tây Bắc về trồng trên những con đường của thành phố Đà Lạt. Đến nay, nhiều hàng cây trên các con phố đã cao lớn trở thành cổ thụ, nhiều cây khỏe khoắn vươn cành choàng lên các mái nhà, biệt thự. Mỗi năm, cứ vào tháng 12, khi hoa dã quỳ úa tàn và mai anh đào “bứt lá” cũng là lúc những hàng hoa ban trắng bắt đầu trút lá để đơm những nụ hoa tươi.

Dưới sắc nắng dát vàng óng ả Tây Nguyên, hoa ban nở trắng xóa cả những con đường làm người dân và du khách phải “bịn rịn” dừng chân đứng ngắm và tất nhiên, không quên ghi lại những bức hình khá đẹp về một loại hoa Tây Bắc nở trắng trời Tây Nguyên!…

Thêm một sản phẩm du lịch

Có người nhầm lẫn giữa hoa ban trắng Tây Bắc với hoa móng bò Tây Nguyên. Nếu quan sát, lá của hoa ban trắng giống móng bò (giống với hoa móng bò hiện còn nhiều ở Đà Lạt); Tuy nhiên, hoa móng bò có màu hồng, nở bông vào giữa tháng 8 hàng năm; điều khác nữa là cây hoa móng bò Đà Lạt không rụng hết lá mới ra hoa như hoa ban trắng. Hoa ban trắng có 5 cánh; từ bên trong đài hoa có màu tím, đến hồng nhạt và ở phần cánh hoa có màu trắng tuyết; đường kính bông hoa khoảng 8-12cm…

Hoa ban trắng choàng lên mái nhà, biệt thự

Những ngày đầu năm mới, nhiều du khách thập phương đến Đà Lạt, ngoài quyến luyến với màu hồng phớt của hoa mai anh đào rực rỡ xốn xang phố núi còn say sưa với màu trắng tinh khôi của hoa ban Tây Bắc nở trắng trên những con phố uốn lượn quanh co dưới những đồi thông xanh đại ngàn Đà Lạt. Hoa ban trắng đang trở thành sản phẩm du lịch mới, góp vào không gian nên thơ của Đà Lạt một loài hoa rất đặc trưng tô điểm thành phố ngàn hoa mỗi độ xuân về!…

Đà Lạt vốn là vùng đất có khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho tất cả các loài hoa, cây trồng có nguồn gốc khắp Á, Âu, Phi… sinh trưởng và phát triển; thậm chí khi di trú đến đây, nhiều loài hoa, cây trồng trở nên thích nghi và còn phát triển tốt hơn so với nơi xuất xứ. Bởi vậy, hoa ban trắng dù đặc trưng của vùng núi Tây Bắc xa xôi khi đến với vùng đất Nam Tây Nguyên này đã phát triển khá tốt và góp thêm một loài hoa nổi tiếng vào “thương hiệu” thành phố ngàn hoa!

Những ngày đầu năm mới, nhiều du khách thập phương đến Đà Lạt, ngoài quyến luyến với màu hồng phớt của hoa mai anh đào rực rỡ xốn xang phố núi còn say sưa với màu trắng tinh khôi của hoa ban Tây Bắc nở trắng trên những con phố uốn lượn quanh co dưới những đồi thông xanh đại ngàn Đà Lạt. Hoa ban trắng đang trở thành sản phẩm du lịch mới, góp vào không gian nên thơ của Đà Lạt một loài hoa rất đặc trưng tô điểm thành phố ngàn hoa mỗi độ xuân về!…

Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)