Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Ngậm ngùi…

Tạp Chí Giáo Dục

 Hàng năm cứ đến mùa thi tuyển đại học, báo chí đều đưa hình ảnh những thí sinh ngủ ngay trên bàn, hoặc đăng tải những bài văn ngô nghê, cười ra nước mắt. Báo đăng để đưa tin và tạo một hiệu ứng xã hội về cơ chế giáo dục, thi cử ở VN. Người đọc cười buồn và ngậm ngùi cho một lớp học sinh chỉ biết bề rộng mà thiếu chiều sâu, giỏi toán nhưng không thể viết gãy gọn một lá đơn, sinh viên sắp tốt nghiệp, chạy sấp ngửa, thậm chí hối lộ để sở hữu một chứng chỉ ngoại ngữ giả. Đó là hệ quả của bệnh thành tích trong dạy học và thi cử tồn tại nhiều năm gây nhức nhối cho xã hội. Năm nay, tỷ lệ tốt nghiệp THPT 95%, và cũng có thể phân nửa số ấy đang ngáp ruồi trong các phòng thi tuyển sinh đại học.
Rồi những em đó vẫn sẽ vào các trường đại học, cao đẳng, mà người ta hạ điểm chuẩn đến mức không thể hạ hơn nữa. Sau 4 năm học, các em với mảnh bằng đại học bắt đầu quá trình tìm việc. Rồi có em nhờ quen biết, kiếm được chỗ làm, thậm chí chỗ “ngon lành, có ăn”. Nhưng hệ quả của giáo dục như thế xã hội phải gánh chịu. Nhiều nước láng giềng đang chuyển mình thành rồng, hoặc hóa cọp từ lâu, còn VN với lực lượng lao động được đào tạo như thế e sẽ khó cất cánh.
Vậy tại sao chúng ta mãi tự ru ngủ với những thành tích ảo hàng năm tại các trường từ tiểu học đến THPT: 100% HS lên lớp thẳng trong đó hơn 90% đạt danh hiệu HS giỏi, 95% HS tốt nghiệp. VN đã có hàng ngàn tiến sĩ, thạc sĩ, nhưng chẳng có mấy công trình nghiên cứu tầm cỡ, mang tính sáng tạo. Bốn vị quyền cao chức trọng tại Viện Vật lý có bài đăng trên Tạp chí Khoa học quốc tế EPL năm 2009, dân ta nô nức mừng. Để rồi tháng 6-2010, cả nước phải xấu hổ vì đó là “thành quả” của một cuộc “đạo văn” quy mô lớn! Vậy, có đáng tự hào với những con số ảo?
Thà rằng chỉ vài chục phần trăm tốt nghiệp THPT, nhưng các em có tư cách tốt, nhất là với trình độ 12, dù rớt hay đậu, vẫn có thể vào làm việc tại một số các cơ quan một cách tự tin và hiệu quả. Đã qua thế kỷ 21 được 11 năm rồi, mong lắm ngành giáo dục VN thật sự đổi mới, trong đó điều đầu tiên cần làm là xóa cho được bệnh thành tích trong giáo dục nhiều năm qua.
Theo Nguyễn Ngọc Hà
(Sggp)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)