Thời gian qua những vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra cả ở thành thị lẫn nông thôn. Hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Không ít trẻ đã phải bỏ mạng chỉ vì những hành vi tàn ác của người lớn trong gia đình – những người đáng lý phải yêu thương và chăm sóc các em một cách tốt nhất…
Bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang. Ảnh: I.T
Hơn 68% trẻ 1-14 tuổi từng bị bạo hành
Theo một thống kê mới đây, ở nước ta có tới 68,4% trẻ từ 1-14 tuổi đã từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo hành ở nhà; 20% trẻ 8 tuổi bị bạo hành ở trường học. Tổng đài bảo vệ trẻ em 111, trung bình mỗi tháng nhận 30.000 cuộc gọi. Riêng năm 2021, khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết trẻ em ở nhà với người thân thì mỗi tháng tăng từ 40.000-50.000 cuộc gọi.
Theo PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân – Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực ASEAN, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, môi trường xung quanh có tác động rất lớn đối với quá trình hình thành tính cách của trẻ. Các nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, trẻ em có tuổi thơ sống trong hoàn cảnh bạo lực hoặc là nạn nhân của bạo lực có hành vi bạo lực cao hơn nhiều so với những trẻ bình thường. Một thực trạng đáng buồn là phần lớn các vụ xâm hại, bạo lực do những người thân quen của trẻ gây ra, chiếm hơn 90% số vụ.
Những năm gần đây, sự an toàn của trẻ đã và đang bị đe dọa ở cả thành thị lẫn nông thôn. Nhiều trẻ em phải đối mặt với bạo lực gia đình, bị xâm hại hoặc quấy rối tình dục, bị bắt cóc, tham gia vào các ngành nghề không an toàn, trong đó xâm hại tình dục và bạo lực chiếm khoảng 50% số vụ vi phạm. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về trẻ em còn nhiều kẽ hở, các vụ việc chưa được phát hiện kịp thời dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
“Ở nước ta, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có từ năm 1991, trong đó nêu rõ các quyền căn bản của trẻ em và ngăn cấm mọi hành vi xâm hại tới sức khỏe và tâm hồn của trẻ em. Song, thực tiễn rất ít trường hợp bị xử phạt. Một số trường hợp xử lý còn hời hợt, mang nặng tính bề ngoài, chưa thực sự đi sâu vào vấn đề, cũng như chưa có những biện pháp đề phòng những vụ việc tương tự xảy ra. Mặt khác, chính quyền, cơ quan, chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt cấp địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em. Thực hiện chưa đầy đủ quy định của pháp luật, chính sách bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, bà Xuân tâm tư.
Tại TP.HCM, thống kê từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, năm 2017 trên địa bàn có 47 vụ việc xâm hại trẻ em, 2019 giảm xuống còn 25 vụ, năm 2020 tăng lên 40 vụ, năm 2021 giảm còn 28 vụ.
Nhìn chung tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn TP.HCM trong 5 năm qua có chiều hướng giảm về số vụ nhưng với tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, hình thức xâm hại chủ yếu là các hành vi xâm hại tình dục (hiếp dâm, giao cấu, dâm ô), kế đến là các hình thức đánh đập, chửi bới. Tuy nhiên, con số này chưa hoàn toàn phản ánh thực tế do văn hóa im lặng và khả năng nhận thức của trẻ về vấn đề xâm hại. Trẻ sống ở khu vực nhà trọ, nông thôn, kể cả chung cư cao cấp, sống với cha dượng hoặc sống trong gia đình có các đặc điểm như: có bạo hành vợ chồng, ly hôn, thất nghiệp, lạm dụng bia rượu và các chất kích thích… có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao.
Cần hành động thiết thực để bảo vệ trẻ em
Xâm hại trẻ em là vấn đề của toàn cầu, diễn ra ở mọi quốc gia, không kể quốc gia phát triển hay đang phát triển. Trẻ em bị xâm hại tiếp tục có những rủi ro lớn hơn trong suốt cuộc đời về những vấn đề tâm thần, thể chất và hành vi, kết quả học tập kém hơn; đồng thời có tỷ lệ thất nghiệp, tù tội và khuyết tật cao hơn.
Từ thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, môi trường bảo vệ trẻ em hiệu quả nhất là môi trường đặt trong sự bảo vệ của pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Theo đó, việc bảo vệ trẻ em cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có sự đồng lòng từ nhiều phía, đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế…
PGS.TS Đinh Phương Duy – Hội Khoa học tâm lý Giáo dục TP.HCM – nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta không nói về các biện pháp mang tính định hướng khái quát mà cần phải có những việc làm cụ thể, hành động thiết thực để hạn chế tình trạng bạo lực trẻ em.
“Ở Campuchia, các điều khoản của Công ước về quyền trẻ em 1992 đã được tích hợp vào hiến pháp và tạo cơ sở để thực thi luật cấm bạo lực gia đình và giải quyết các nhu cầu về mối quan tâm của trẻ em bị bạo lực. Tại Lào ngăn chặn bạo lực trẻ em bằng cách thay đổi thái độ, hành vi và thúc đẩy sự tôn trọng, không bạo lực. Hỗ trợ cha mẹ, người chăm sóc và gia đình, đồng thời trao quyền cho trẻ em bảo vệ chính mình”, ông Duy dẫn chứng.
Bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái tại phiên xét xử vụ án bạo hành bé N.T.V.A (8 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Tại TP.HCM, tính đến quý 1 năm 2022, có hơn 1,8 triệu trẻ em, chiếm hơn 14% dân số của TP; trong đó có hơn 11.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 17.000 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng, hơn 2.500 trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 60 cơ sở bảo trợ xã hội.
Với số lượng lớn trẻ em sử dụng dịch vụ bảo vệ tại các cơ sở trợ giúp xã hội đang tạo áp lực rất lớn lên hệ thống bảo vệ trẻ em của TP. Điều đó đòi hỏi cơ chế phối hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các bên liên quan gồm cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội đối với trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Trên cơ sở này, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện về luật pháp, chính sách và các quy định trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em. Tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý thật nghiêm các hành vi vi phạm quyền trẻ em.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế đặc thù cho TP.HCM trong việc bố trí đội ngũ cán bộ không chuyên trách phường, xã, thị trấn; trong đó có cán bộ phụ trách công tác trẻ em tại địa phương cho phù hợp với nhiệm vụ trong tình hình mới, nhằm tạo động lực và an tâm công tác cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách. Thời gian qua, sự biến động nhân sự ở cấp này quá lớn dẫn đến tình trạng hệ thống bảo vệ trẻ của TP gặp nhiều khó khăn.
Minh Phương
Bình luận (0)