Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngăn chặn bạo lực học đường: Cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu hành vi bạo lực trong học đường không được ngăn chặn thì những học sinh này nay mai sẽ có thể làm tình trạng hung hãn, bạo lực càng trầm trọng hơn.
Ở chiều ngược lại, nếu hiện tượng đó không bị lên án mạnh mẽ, không được ngăn chặn kịp thời thì có thể tác động xấu đến nhiều học sinh, khiến các em bị ảnh hưởng không nhỏ và có thể “bắt chước”. Nếu nhà trường, gia đình đều lơi lỏng thì sẽ càng làm xuất hiện thêm nhiều vụ bạo lực học đường. Như vậy, cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ để tìm cách ngăn chặn các vụ bạo lực nói chung và bạo lực học đường nói riêng. Phía gia đình cần giáo dục con em mình về cách thức ứng xử, nhất là trong các tình huống đặc biệt, như có va chạm giao thông, khi thấy chuyện sai trái, liên quan đến lợi ích…, trên tinh thần phải tôn trọng người khác, cũng là cách để tự bảo vệ mình. Phía xã hội cần có sự tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông để lên án những hành vi sai trái, cổ vũ và động viên những biểu hiện tích cực, đồng thời phân tích rõ những điều đúng, điều sai, những điều nên làm; các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên cần có nhiều biện pháp giáo dục thanh thiếu niên về cách thức ứng xử, cách thức tự bảo vệ, đồng thời có biện pháp hỗ trợ thanh thiếu niên trong những trường hợp cần thiết.
Dù vậy, với đặc thù trẻ có thời gian ở trường khá nhiều, có sự tiếp xúc, va chạm với bạn học nhiều hơn các đối tượng khác, thường chịu sự tác động của thầy cô (theo hình mẫu) và của bạn bè (theo tâm lý đám đông và tâm lý lây lan), nhà trường cần đóng vai “chủ công” trong phòng ngừa bạo lực. Đó là các giáo viên phải thực sự làm gương trong việc ứng xử trong khi lên lớp cũng như trong sinh hoạt (giữa giáo viên với nhau và với học sinh), trong đó phải hạn chế đến mức thấp nhất các biểu hiện có tính chất bạo lực (đánh đập học sinh, dùng lời lẽ, thái độ có tính làm nhục trẻ…). Đó là tổ chức quản lý trường, lớp thật tốt, tránh hiện tượng có “đại ca”, “đại bàng”, nhất là tình trạng giáo viên sử dụng biện pháp “học sinh trị học sinh”, cũng như hạn chế bất kỳ các biểu hiện bắt nạt nào trong nhà trường. Đó là thực hiện việc công khai, minh bạch, hợp lý trong các quy định về thi đua (cả dạy và học), về chế độ, các nghĩa vụ của học sinh, tránh gây ra ức chế, bất mãn trong học sinh và giáo viên, có thể gây ra những phản ứng tiêu cực cho học sinh. Đó là phải chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để tạo môi trường thực sự lành mạnh ở khu vực xung quanh trường học, như hạn chế các điểm chơi game, các điểm giải trí, các tụ điểm có thể tụ tập những thanh niên chậm tiến. Đó là phải tích cực phối hợp với gia đình trong việc kịp thời thông tin về những biểu hiện bất thường của học sinh để cùng có biện pháp xử lý phù hợp…
Nhà trường với trách nhiệm dạy “văn” và dạy “lễ” cần thiết có những biện pháp để ngăn chặn bạo lực học đường, bởi xét cho cùng, có bất kỳ biểu hiện bạo lực nào trong nhà trường thì khi đó kết quả dạy “lễ” chưa đạt yêu cầu. Do đó, các thành viên thuộc về nhà trường, từ ban giám hiệu đến giáo viên, giám thị…, phải có ý thức và kỹ năng phù hợp để thực sự xây dựng môi trường sư phạm trong lành, văn minh, tiến bộ.
ThS. Nguyễn Minh Hải 

Bình luận (0)