TS. Huỳnh Công Minh đang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H. Triều |
Diễn đàn “Bạo lực học đường – ngăn chặn bằng cách nào?” thời gian qua đã nhận được rất nhiều ý kiến rất thiết thực từ các nhà giáo, bạn đọc, cán bộ Đoàn hội… Nhân hội thảo chuyên đề “Phòng chống bạo lực trong nhà trường” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vào chiều 9-4 vừa qua, chúng tôi đã ghi nhận để khép lại diễn đàn này.
Bạo lực học đường (BLHĐ) – chuyện không mới
Mở đầu hội thảo, TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện tượng HS đánh nhau là một thực tế không mới, những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình sinh hoạt của lứa tuổi hiếu động này vẫn thường xảy ra trong các thế hệ HS…”. Đồng tình với ý kiến của TS. Minh, TS. Đinh Phương Duy – Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TP dẫn chứng: “Trước giải phóng, khi tôi học phổ thông, đã từng bị bạn bè đánh, trấn lột viết (bút). Sau giải phóng, em tôi đi học cũng không thoát khỏi tình trạng này. Học trò đánh nhau có thể xem là chuyện bình thường vì cuộc đời đi học lắm thứ suy nghĩ, hành động lung tung, đó là hiện tượng của “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Tuy vậy, đó chỉ là những trường hợp cá biệt. Nhưng nếu chúng ta không tìm ra giải pháp ngăn chặn thì BLHĐ sẽ không còn là cá biệt nữa…”.
TS. Duy cũng thừa nhận rằng, việc đổ lỗi cho nhà trường khi BLHĐ có chiều hướng gia tăng là không hợp lý, nguyên nhân sâu xa vẫn là xã hội. Ông nói: “Trong những năm gần đây, cảnh bạo lực diễn ra ở mọi lĩnh vực. Trên sân cỏ, cầu thủ đánh nhau, huấn luyện viên chửi trọng tài, cổ động viên “choảng” nhau. Ngoài đường phố, taxi húc xe vào cảnh sát, nhiều băng nhóm thanh toán nhau đẫm máu ngay trong khu phố… Có thể nói, vấn đề bạo lực đang trở thành mối quan tâm, lo ngại của toàn xã hội”.
TS. Võ Văn Nam – Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thì cho rằng: “Ngay trong gia đình cha mẹ vẫn dùng bạo lực với nhau. Bước ra khỏi nhà, trẻ gặp hàng xóm bạo lực, bạo lực từ trên phim đến ngoài đời nên trẻ thường thấy: “mạnh được, yếu thua”. Vì thế, khó tránh cảnh HS đánh nhau. Chung quy lại, HS chỉ là nạn nhân chứ không phải là thủ phạm, các em đáng thương hại hơn là đáng trách…”.
Nhiều ý kiến khác cũng khẳng định, BLHĐ không phải là chuyện mới lạ trong trường học. Cái mới hiện nay chính là học sinh đã biết sử dụng vũ khí để đánh nhau, thậm chí còn mời gọi “giang hồ” bên ngoài vô trường để “xử” bạn. Hậu quả là có không ít trường hợp bị thương tật, nguy hiểm hơn là chết người. “Chúng ta cần nhận diện đúng mức vấn đề này, phân tích đầy đủ các nguyên nhân một cách khoa học nhằm tìm ra những giải pháp hiệu quả để phòng chống nó”, TS. Minh kiến nghị.
Đừng bỏ rơi trẻ!
Những buổi sinh hoạt ngoại khóa như thế này sẽ giúp hạn chế được tình trạng bạo lực học đường. Ảnh: T.T |
Đi tìm nguyên nhân của những sự việc trên, các chuyên gia giáo dục, tâm lý đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân dẫn tới những hành động thiếu suy nghĩ ở lứa tuổi HS. PGS-TS Trần Tuấn Lộ, Trưởng khoa Tâm lý Trường ĐH Văn Hiến cho rằng: “Nguyên nhân từ nhà trường chính là sự giáo dục chưa đủ, thậm chí không giáo dục về việc phòng chống bạo lực. Đặc biệt là gia đình cũng chưa quan tâm, chưa thân thiện với con cái trong khi xã hội lại có quá nhiều yếu tố độc hại đối với lứa tuổi các em. HS tiếp xúc với hàng ngàn cảnh bạo lực… để rồi trở thành một hình ảnh quen thuộc và bắt chước theo. Đó còn là hệ quả của sự vô cảm của người lớn, của việc giáo dục quá nặng về lý thuyết, kiến thức mà không giáo dục về kĩ năng, đạo đức, nhân cách làm người”. Sau gần 10 năm làm công tác tư vấn tâm lý học đường tại các trường phổ thông, TS. Nguyễn Thị Bích Hồng – Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phần nào hiểu được tâm tư, tình cảm của lứa tuổi “trẻ con thì đã qua mà người lớn lại chưa tới”. Theo đó, bà cho rằng: “BLHĐ là hậu quả của một quá trình cô đơn, bế tắc”. Trẻ bây giờ thường xuyên bị cha mẹ bỏ rơi (do cha mẹ bận làm ăn hoặc có những mối bất hòa). Vì không được yêu thương nên trẻ tự ti, dễ bị bạn bè ăn hiếp, đến khi bị dồn vào chân tường, trẻ sẽ phản kháng lại bằng bạo lực… Nhấn mạnh đến giải pháp phải bắt đầu từ gia đình, TS. Bích Hồng phát biểu thêm: “Mỗi ngày hãy hỏi xem con mình đi đâu, làm gì, với ai… để biết con có những mối quan hệ bất thường mà bảo vệ. Đừng “khoán trắng” trách nhiệm dạy con cho nhà trường”. Không chỉ cô đơn trong nhà, trẻ còn cô đơn ở trường. “Một lớp học nếu chỉ có 20-30 học sinh thì quan hệ thầy trò là quan hệ nhân văn. Nhưng khi lớp học có tới 50-60 học sinh thì quan hệ thầy trò sẽ là quan hệ hành chính. Với một mối quan hệ hành chính như vậy, liệu thầy cô giáo có thể quan tâm, sâu sát đến từng học sinh? Sự cô đơn trong trường học khiến học sinh xa lánh thầy cô, có chuyện gì cũng tự “xử lý”, “giải quyết” với nhau chứ hiếm khi tâm sự cùng thầy cô”, TS. Minh khẳng định.
Ra ngoài xã hội, trẻ cũng cô đơn, các em thấy mình lạc lõng trong đám đông. Nếu các em có bỏ học lang thang ngoài đường cũng chẳng người lớn nào thèm hỏi. Đáng trách hơn khi 5-7 học sinh đánh nhau, người lớn thấy cũng chỉ… đứng nhìn. Sự vô cảm của người lớn đã biến các em thành những đứa trẻ chỉ thích sử dụng nắm đấm… Biện pháp phòng chống BLHĐ hiệu quả mà theo TS. Bích Hồng chính là giải tỏa sự cô đơn cũng như củng cố niềm tin ở trẻ”.
Giáo dục kỹ năng sống cho HS, cần lắm!
TS. Nam cho rằng, giảm tải chương trình học, thay vào đó những giờ học kĩ năng là biện pháp hữu hiệu: “Các em cần được rèn luyện kĩ năng giao tiếp để hạn chế những câu nói không hay gây mất lòng bạn bè của các em. Rèn luyện kĩ năng ứng xử để các em có những hành động thấu tình đạt lý, đạt tới giá trị nhân văn cao nhất. Rèn luyện kĩ năng kiềm chế cảm xúc để các em biết kìm nén những lúc xúc động, biết sống bao dung độ lượng với mọi người”. Đóng góp về việc xử lý các vụ việc bạo lực, PGS-TS Trần Tuấn Lộ nói: “Cần phân loại các mức độ nghiêm trọng, phân biệt động cơ bạo lực để tùy mỗi trường hợp mà có cách xử lý, giáo dục riêng. Phải coi bạo lực bắt đầu từ những lời nói, từ cái nhìn, cử chỉ có biểu hiện bất thường chứ không chỉ là hành động trên thân thể người khác…”. Ý kiến của bà Lê Thúy Hòa – Hiệu trưởng Trường THPT DL Thái Bình cũng rất đáng được quan tâm: “Không trường nào không có học sinh xích mích, quan trọng là chúng ta phải phát hiện sớm để ngăn chặn. Người phát hiện không chỉ là thầy cô giáo, bảo vệ… mà còn là các bạn trong lớp. Để học sinh giúp giáo viên phát hiện những vụ xích mích này, bắt buộc nhà trường phải giáo dục kỹ năng sống cho các em”. Theo ông Lê Ngọc Trung, Phó ban hoạt động ngoài trời Trường Thiếu sinh quân thì giáo viên cũng nên dạy về kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, chẳng hạn đặt ra các tình huống cụ thể như “nhìn mặt thằng này thấy ghét” thì giải quyết như thế nào để bớt ghét. Kỹ năng sống không chỉ đợi đến bậc THCS, THPT mới dạy mà ngay từ mầm non cũng phải giáo dục cho các bé…”.
Hòa Triều – Ngọc Anh
Hơn lúc nào hết, hiện nay chúng ta cần phải hướng đến thế hệ tương lai với tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương cao cả. Thầy cô giáo, cha mẹ là những tấm gương đạo đức để con cái noi theo. Chính sự quan tâm, tin tưởng, can thiệp kịp thời cũng như tình thương và trách nhiệm của họ là phương thuốc hữu hiệu để giáo dục thế hệ trẻ một cách tốt nhất. |
Bình luận (0)