Nga và Trung Quốc không hề có dấu hiệu cho thấy họ sẽ ký kết hiệp ước điều chỉnh việc mua bán vũ khí
Hơn 65 quốc gia ngày 3-6 đã ký kết hiệp ước điều chỉnh việc mua bán vũ khí trên toàn cầu trị giá khoảng 60 – 85 tỉ USD. Đây được xem là bước khởi động mạnh mẽ cuộc vận động đầu tiên tầm cỡ quốc tế nhằm ngăn chặn việc buôn bán vũ khí trái phép cho những kẻ theo chủ nghĩa quá khích và những khu vực xảy ra xung đột. Hiệp ước chỉ có hiệu lực sau khi 50 quốc gia thông qua nó.
Tên lửa PAC-3 của Mỹ
Ảnh: AP
Ảnh: AP
Ngoại trưởng John Kerry thông báo rằng nước Mỹ – nhà buôn vũ khí lớn nhất thế giới – chẳng bao lâu nữa sẽ ký hiệp ước này. Có một số vấn đề trong việc dịch hiệp ước này sang 6 ngôn ngữ chính thức của Liên Hiệp Quốc. Ông Kerry cho biết Mỹ hy vọng sẽ ký văn kiện trên ngay khi quá trình này hoàn thành và thượng viện Mỹ sẽ chuẩn thuận hiệp ước. Thế nhưng theo hãng tin AP, việc thông qua này sẽ vấp phải sự phản đối dữ dội của Hiệp hội Súng đạn quốc gia (NRA).
Tại cuộc họp báo ngày 3-6, 7 quốc gia đồng tài trợ hiệp ước – Anh, Argentina, Costa Rica, Kenya, Nhật Bản, Phần Lan, Úc – đã ra thông cáo chung tuyên bố rằng các nước này cảm thấy phấn khích vì đã có nhiều quốc gia tham gia ký kết hiệp ước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 23 quốc gia bỏ phiếu trắng.
Điều đáng nói ở đây là trong khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhất trí tán thành hiệp ước, các nhà xuất khẩu vũ khí chủ chốt Nga và Trung Quốc cũng như các nước nhập khẩu chính là Ấn Độ và Ai Cập đã bỏ phiếu trắng và không hề có dấu hiệu họ sẽ ký kết hiệp ước này. Ở đây có rất nhiều điều phụ thuộc vào việc nước nào thông qua và nước nào không thông qua hiệp ước cũng như nó sẽ được thực hiện một cách nghiêm ngặt ra sao một khi có hiệu lực.
Các loại vũ khí mà hiệp ước trên đề cập là xe tăng, xe bọc thép chiến đấu, các hệ thống đại pháo, chiến đấu cơ, trực thăng tấn công, tàu chiến, tên lửa và bệ phóng tên lửa, vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ. Ngoài ra, hiệp ước cấm các nước thông qua không được chuyển giao vũ khí quy ước nếu như họ vi phạm lệnh cấm vận vũ khí hoặc nếu họ xúc tiến các hành động diệt chủng, tội ác chống lại loài người hoặc tội ác chiến tranh. Hiệp ước cũng cấm xuất khẩu vũ khí quy ước nếu chúng có thể được sử dụng để tấn công thường dân hoặc các cơ sở dân sự như trường học và bệnh viện.
Thêm vào đó, hiệp ước quy định rằng khi xem xét việc xuất khẩu vũ khí, các nước phải đánh giá liệu số vũ khí đó có được sử dụng trái với các đạo luật quốc tế về nhân quyền hoặc có lọt vào tay bọn khủng bố hay các băng đảng tội phạm có tổ chức hay không. Quốc gia đó cũng phải xác định xem liệu số vũ khí họ định xuất khẩu sẽ góp phần hay hủy hoại hòa bình và an ninh.
Trung Quốc tăng số đầu đạn hạt nhân
Với tựa đề “Trung Quốc (TQ) đã trở nên nguy hiểm hơn”, báo Vzglyad (Nga) cho biết trong số 5 cường quốc hạt nhân hàng đầu (Anh, TQ, Nga, Mỹ và Pháp), TQ là quốc gia duy nhất mở rộng tiềm năng vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình. Trích dẫn bản báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu các vấn đề thế giới Stockholm (SIPRI), tờ báo nhấn mạnh TQ có 240 đầu đạn hạt nhân vào năm 2012, còn bây giờ là 250. Trong khi đó, 4 nước còn lại hoặc giảm bớt hoặc giữ nguyên số lượng vũ khí hạt nhân của mình.
Theo NLĐ
Bình luận (0)