Sau khi TP.HCM ghi nhận 4 ca nhiễm trong cộng đồng, nhiều người không khỏi lo lắng, hoang mang sợ dịch bệnh sẽ bùng phát như ở Đà Nẵng cách đây 3 tháng. Tuy nhiên, với quyết tâm không để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh, đến nay TP đã cơ bản khống chế được tình hình. Riêng với các cơ sở khám chữa bệnh, không chỉ ở TP.HCM mà Đà Nẵng cũng như cả nước đều nâng cao cảnh báo để ngăn chặn dịch bệnh xuất hiện và lây lan…
Bệnh viện Đà Nẵng tăng cường nhân lực để “chăm sóc toàn diện” cho bệnh nhân nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Ảnh: V.Yên
Gần 1 tuần không ghi nhận ca nhiễm mới
Tại TP.HCM, theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh Covid-19, đến 7 giờ ngày 8-12, số trường hợp nhiễm Covid-19 xác định là 142. Từ ngày 2-12, không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. 110 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh, còn 32 trường hợp đang điều trị.
TP đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Đặc biệt, xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc với các ca dương tính (BN1342, BN1347, BN1348, BN1349). Theo đó, tổng số mẫu đã lấy xét nghiệm: 3.888, trong đó: 861 trường hợp tiếp xúc gần F1; 1.400 trường hợp tiếp xúc của F1; 1.627 trường hợp lấy mẫu giám sát – Tất cả đều âm tính. Ngành y tế cũng đã tiến hành giám sát tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại TP. Đã lấy mẫu xét nghiệm 10.693 trường hợp, trong đó có 19 trường hợp dương tính.
Bên cạnh đó, mở rộng xét nghiệm giám sát các nhóm nguy cơ cao; cách ly người nhập cảnh theo quy định; giám sát người đã thực hiện cách ly ở các tỉnh thành khác về cư trú tại TP (hiện có 5 bệnh nhân sau khi xuất viện đang trong thời gian theo dõi tại TP.HCM, 75 trường hợp đã hết thời gian theo dõi). Cập nhật giám sát và xét nghiệm đối với bệnh nhân Covid-19 sau xuất viện, người cách ly tập trung và người sau cách ly phòng chống Covid-19 trong tình hình mới.
Hiện TP có 2.076 người đang được cách ly tại các điểm cách ly tập trung và 2.913 người đang được cách ly tại nhà/nơi lưu trú.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo người dân: Tuân thủ hướng dẫn cách ly tại nhà của ngành y tế; Bình tĩnh ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh; thực hiện “5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”.
Với quyết tâm không để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh trong môi trường BV, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP – chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP: Duy trì và củng cố hoạt động kiểm soát tất cả mọi người khi đến BV (gồm: người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên BV, nhân viên cung cấp dịch vụ thuê ngoài…); triển khai nghiêm công tác sàng lọc, phân luồng đến khám chữa bệnh tại khoa khám bệnh, khoa cấp cứu; tăng cường sàng lọc tại các khoa lâm sàng nội trú, đảm bảo mỗi khoa lâm sàng phải có một buồng cách ly; chủ động xây dựng kịch bản và tổ chức diễn tập phương án ứng phó với tình huống dịch bệnh xảy ra; hạn chế đi lại giữa các khoa phòng, giải quyết tình trạng tập trung đông người tại những khu vực thường bị ùn tắc trong BV, thực hiện giãn cách theo quy định…
Đà Nẵng: Luôn trong trạng thái sẵn sàng
Kể từ khi đợt dịch Covid-19 lần 2 bùng phát ở Đà Nẵng được khống chế, hơn 90 ngày qua, địa phương này không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Dù vậy, công tác phòng chống dịch ở Đà Nẵng vẫn luôn ở trong trạng thái sẵn sàng, nhất là hệ thống BV, nhằm đảm bảo phòng chống dịch tốt nhất.
Theo báo cáo của BV Đà Nẵng, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận từ 1.400-1.500 bệnh nhân điều trị nội trú. Việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân theo phương châm “chăm sóc toàn diện”, hạn chế tối đa số lượng thân nhân vào viện để phòng chống Covid-19 và hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo.
“Để chung tay phòng chống dịch bệnh, chúng tôi phải thay người nhà làm những công việc liên quan đến bệnh nhân – từ ăn uống đến vệ sinh và trò chuyện để trấn an tinh thần bệnh nhân. Dù vất vả nhưng các đồng nghiệp đều cố gắng vì bệnh nhân và vì sự an toàn của cộng đồng”, điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Oanh – BV Đà Nẵng – chia sẻ.
Từ sau khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa do đợt dịch Covid-19 lần 2 bùng phát, công tác phòng chống dịch Covid-19 ở BV Đà Nẵng được triển khai rất nghiêm ngặt. Tất cả người dân khi vào khám, chữa bệnh đều phải thực hiện các bước khuyến cáo theo nguyên tắc 5K. Tại các khoa cấp cứu, khám bệnh, công tác phân luồng, sàng lọc được thực hiện ngay từ đầu. Tất cả bệnh nhân, nhân viên vào đây có triệu chứng ho, sốt, khó thở hay triệu chứng mất vị giác, các biểu hiện liên quan nghi nhiễm Covid-19 đều có khu khám sàng lọc phân luồng ở phía trước. Với bệnh nhân nặng sẽ thực hiện phân luồng, sàng lọc tại khu cấp cứu; các nhân viên y tế, bệnh nhân phải khử khuẩn thường xuyên, đo nhiệt độ hàng ngày.
BS Nguyễn Thành Trung – Phó Giám đốc BV Đà Nẵng – cho biết, BV đang áp dụng việc chăm sóc toàn diện để đảm bảo công tác phòng chống dịch. BV sẽ tăng cường toàn bộ nhân lực của tất cả các khoa phòng ít bệnh để chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Cán bộ nhân viên y tế đến thời điểm này đều làm đến 200% năng lực làm việc của mình.
Để phát huy tối đa hiệu quả phòng dịch, các BV tuyến quận, huyện đều trở thành BV vệ tinh của BV Đà Nẵng. Các BV này tiếp nhận các ca bệnh nhẹ, BV Đà Nẵng tiếp nhận các ca bệnh nặng. Bên cạnh đó, BV Đà Nẵng cũng đã xin Sở Y tế TP tăng cường cho khám chữa bệnh từ xa giúp giảm tải BV.
Trước tình hình dịch trên thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt là sau khi xuất hiện ca mắc Covid-19 tại TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng – Lê Trung Chinh đã có công văn về việc tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, UBND Đà Nẵng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chiến lược kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để, điều trị hiệu quả; tăng cường cảnh giác, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra. Đối với Sở Y tế, tập trung chiến lược ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, giám sát và phát hiện sớm qua xét nghiệm, điều trị hiệu quả các bệnh nhân xác định mắc Covid-19 (nếu có); Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, phương án, kế hoạch; nâng cao năng lực truy vết, khoanh vùng, khám, điều trị hiệu quả; chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp tục rà soát, kiện toàn, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phòng, chống Covid-19 và phương án đáp ứng, xử lý các tình huống dịch bệnh tại cơ sở; chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân; Liên tục rà soát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại cơ sở y tế theo bộ tiêu chí BV an toàn, bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn…
H.Triều – V.Yên
Bình luận (0)