Sự kiện giáo dụcTin tức

Ngăn chặn dịch bệnh vào trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 11-8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và Sở GD-ĐT TP đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2011-2012. Trước đó, ngày 10-8, Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng TP cũng đã tổ chức giao ban định kỳ với 24 quận, huyện. Tại hai cuộc họp này, vấn đề “nóng” nhất là công tác ngăn chặn dịch bệnh, chủ yếu là tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) tấn công vào trường học trong mùa tựu trường…
Đỉnh dịch rơi vào mùa tựu trường
Theo số liệu tổng hợp của Sở Y tế TP.HCM, tháng 7-2011, toàn TP có 1.249 ca SXH nhập viện, tăng 360 ca so với tháng 6. Cộng dồn 7 tháng đầu năm nay là 5.995 ca với 2 ca tử vong, trong khi đó 7 tháng đầu năm 2010 là 2.949 ca, không có ca tử vong. Số phường, xã có ca bệnh hiện nay là 263 phường, xã, tập trung nhiều ở Q.7, 8, Tân Bình, Hóc Môn… Bệnh TCM tuy có giảm nhưng không đáng kể, từ 2.093 ca (tháng 6) xuống còn 1.882 ca (tháng 7). 7 tháng đầu năm 2011 có 6.646 ca với 22 ca tử vong, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2010 (1.959 ca, 1 tử vong).
“Bệnh TCM giảm nhưng giảm không đồng đều. Q.6, 7, 8, Thủ Đức, Gò Vấp và huyện Bình Chánh giảm, ngược lại Q.Tân Bình, Bình Tân lại tăng. Thậm chí trong một quận, huyện cũng có phường, xã giảm, phường, xã tăng. Có thể nói dịch bệnh TCM diễn biến khá phức tạp, lên xuống thất thường. Trong một tháng mà có tuần lên tới 500 ca, tuần lại xuống 300 ca, rồi lại lên 400 ca/tuần…”, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM nhận xét.
Song, điều mà ngành y tế nói riêng và xã hội nói chung lo lắng là mùa tựu trường đã đến trong khi dịch bệnh thì cứ tăng đều. Đỉnh dịch của SXH là tháng 9 và tháng 10, đỉnh dịch thứ 2 trong năm của TCM là tháng 10, tháng 11.
“Mùa tựu trường, các trường rất bận rộn, giáo viên phải lo nhiều việc. Trong khi trường học là nơi tập trung đông người nên nguy cơ lây lan cũng nhanh. Vì vậy, trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện phải phối hợp với ngành GD-ĐT địa phương tập huấn lại cho 100% ban giám hiệu, giáo viên – nhân viên của các trường học về cách nhận biết trẻ bệnh, phòng ngừa dịch bệnh. Những ngày đầu mùa tựu trường, y tế địa phương cần phải hỗ trợ các trường trong công tác vệ sinh, khử khuẩn. Bên cạnh đó phải tăng cường giám sát 100% trường mầm non trên địa bàn trước, trong và sau khai giảng năm học mới, trọng tâm là các nhóm trẻ gia đình”, bác sĩ Thọ nhấn mạnh.
Các trường ra quân phòng dịch
Về phía ngành GD-ĐT TP, theo ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP thì: “Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cơ quan y tế địa phương tổ chức tổng vệ sinh toàn trường như phòng học, khu nội trú, nhà ăn và môi trường xung quanh bằng dung dịch Choloramin để đảm bảo an toàn trước khi tiếp nhận học sinh cho năm học mới – tiểu học, THCS, THPT là ngày 15-8, mầm non là ngày 29-8”.
Tại Q.1, UBND quận đã triển khai công tác phòng chống dịch bệnh TCM phối hợp phòng chống bệnh SXH trong trường học. Tại Q.2, ngày 1-8, tất cả các trường trên địa bàn đều tập trung vệ sinh cơ sở trường lớp để chuẩn bị cho năm học mới.
Cô Võ Ngọc Thu – Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 cho biết: “Tất cả các trường trong quận đều thành lập ban chỉ đạo y tế học đường, phối hợp với các ngành chức năng định kỳ kiểm tra vệ sinh môi trường, vệ sinh y tế. Phòng GD-ĐT quận phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tổ chức các buổi tập huấn về phòng bệnh TCM cho cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế trường học. Với bệnh SXH, các trường phun thuốc định kỳ…”.
Q.8 luôn là “điểm nóng” về dịch bệnh SXH và TCM trên địa bàn TP. Trong tháng 7 vừa qua, các trường mầm non trên địa bàn đã phải ngừng tổ chức dạy hè do dịch bệnh TCM lây lan nhanh. Ông Nguyễn Công Danh – Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Q.8 cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Q.8 có trên 1.200 ca TCM và SXH, trong đó có 3 ca TCM đã tử vong. Để đảm bảo an toàn cho trường học trong năm học mới, UBND quận đã chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp với ngành y tế hướng dẫn, hỗ trợ các trường mầm non thường xuyên vệ sinh phòng học, đồ chơi của trẻ bằng dung dịch Choloramin. Các trường tiểu học và THCS vệ sinh trường lớp mỗi ngày. Nhân viên y tế trường học phải hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh”…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)