Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Ngăn chặn học sinh đi xe phân khối lớn: Cần sự vào cuộc đồng bộ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

HS không đội mũ bảo hiểm, đi xe phân khối lớn trước cổng trường THPT Lê Quý Đôn

Năm học mới đã qua gần hai tháng, nhưng tình trạng học sinh (HS) chưa đủ tuổi vô tư sử dụng xe gắn máy trên 50 phân khối đến trường vẫn là bài toán làm đau đầu ban giám hiệu nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM. Nhiều biện pháp đã được đưa ra, tuy nhiên thực trạng này chưa được cải thiện là bao.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, trẻ từ 12 tuổi trở lên được đi xe đạp, từ 16 tuổi được đi xe gắn máy 50 phân khối, và 18 tuổi được học giấy phép lái xe.
Nỗ lực của nhà trường bị “vô hiệu hóa”
Quan sát tại nhiều trường THPT trên địa bàn thành phố vào đầu và cuối buổi học, không khó bắt gặp cảnh HS khoác nguyên bộ đồng phục vi vu trên những chiếc xe gắn máy, thậm chí lớn hơn 100 phân khối.
Tại Trường THPT H.G, sát cổng là nhà giữ xe của người dân, nhận giữ xe máy cho HS trong trường. Tuy nhiên, ngay tại khuôn viên trường, cổng vào phía đường Pasteur lại là bãi giữ xe HS, trong đó có rất nhiều xe máy phân khối lớn các loại. Bảo vệ nhà trường cho hay, đó hoàn toàn là xe máy của HS cấp 3, cũng có thời gian nhà trường không nhận giữ nhưng sau dần thì đâu lại vào đó…
Cùng cảnh ngộ, Trường THPT Đ., Trường THPT G.Đ… bên cạnh những điểm giữ xe tại gia quanh khu vực trường thì bãi gửi xe HS của nhà trường vẫn có sự xuất hiện của nhiều xe máy.
Đó cũng là thực trạng chung của hầu hết các trường THPT trên địa bàn thành phố, dù bên phía nhà trường, rất nhiều biện pháp đã được đưa ra, nhu có, cương có nhằm hạn chế tối đa tình trạng HS đi xe gắn máy đến trường, đặc biệt trong năm 2012 – Năm An toàn giao thông (ATGT).
Cô Nguyễn Thị Mai Lan, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: “Ngay từ đầu năm, nhà trường đã phổ biến Luật ATGT đến phụ huynh và HS. Đồng thời cũng thực hiện những buổi nói chuyện giữa nhà trường, HS, phụ huynh và cảnh sát giao thông (CSGT), để phụ huynh và các em HS hiểu rõ hơn về luật. Trong những tiết sinh hoạt dưới cờ, nhà trường luôn nhắc nhở HS không vi phạm. Và trên hết, phụ huynh và HS cũng đã ký cam kết HS không đi xe gắn máy đến trường, xử lý nghiêm trường hợp các em vi phạm…”.
Một lãnh đạo Trường THPT Trưng Vương cũng chia sẻ rằng: “Từ đầu năm đến nay trường đã hạ hạnh kiểm 3 HS vì đi xe gắn máy đến trường. Bãi gửi xe nhà trường kiên quyết không nhận xe máy phân khối lớn của HS. Trong những giờ sinh hoạt dưới cờ và sinh hoạt ATGT, nhà trường thường xuyên nhắc nhở HS. Bên cạnh đó, gắn kết sâu sắc với phụ huynh để tuyên truyền Luật ATGT. Nhưng trên hết là nhà trường tăng cường giáo dục đạo đức để HS hiểu, ý thức được việc mình làm”.
Còn Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm thì thường xuyên tổ chức những buổi học thú vị về giao thông, có sự tham gia của CSGT thành phố, phổ biến kiến thức ATGT đặc biệt đối với các tân HS lớp 10.
Thế nhưng mọi cố gắng từ phía nhà trường vẫn chỉ là giải pháp tình thế khi mà sự buông lỏng của phụ huynh lại tiếp tay để các em vi phạm. Cô Mai Lan, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn tâm sự rằng: “Không cho các em gửi xe trong trường thì các em gửi xe ngoài trường. Phụ huynh thường viện cớ nhà xa, thương con đạp xe vất vả và dễ dàng thưởng cho con xe máy vì những lý do này nọ. Nếu chính phụ huynh không nghiêm khắc, kiên quyết với con em mình và phối hợp với nhà trường thì dù nhà trường có mạnh tay đến mấy, có cảnh cáo dưới cờ, có hạ hạnh kiểm hay mời phụ huynh cũng chỉ là bắt cóc bỏ đĩa…”.
Cần sự phối hợp từ nhiều phía
Đại tá Phạm Minh Tuấn, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ – đường sắt cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác giáo dục về ATGT không chỉ cho HS mà còn đối với phụ huynh. Bên cạnh đó, các trường cũng cần phải liên hệ với Phòng CSGT trên địa bàn để hỗ trợ tuyên truyền, giảng dạy cho HS…
Chiến sĩ Phạm Thành Nghĩa thuộc Đội CSGT Bàn Cờ (Q.3) chia sẻ: “Trong quá trình làm việc tại các tuyến đường trên địa bàn Q.10, Q.3, chúng tôi chứng kiến tình trạng các em học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy phân khối lớn tham gia giao thông vẫn còn rất nhiều. Từ đầu năm học đến nay, chúng tôi cũng đã xử phạt tương đối nhiều trường hợp vi phạm bằng cách lập biên bản, tạm giữ xe và gửi giấy về nhà trường phối hợp giáo dục. Thường thì các em vin vào lý do nhà xa và không có phụ huynh đưa đón…”.
Còn theo giảng viên Lê Hoàng Thế Huy thuộc Khoa Tâm lý học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM thì: “Đây là lứa tuổi các em đang đi tìm cái tôi và khẳng định mình. Các em chưa thực sự ý thức được mình là ai, nên và không nên làm gì. Với các em, để trở nên nổi trội trong mắt bạn bè, trở thành tâm điểm chú ý hay đơn giản được bằng bạn bằng bè là điều hết sức quan trọng. Và đi xe máy đến trường cũng chỉ là một cách để các em thể hiện cái gọi là đẳng cấp của bản thân… Chính vì thế, trước nhất gia đình, phụ huynh phải gương mẫu để đóng vai trò định hướng nhân cách cho các em, nhà trường chỉ góp phần uốn nắn nhân cách đó đi đúng đường nhưng chỉ trong một khuôn khổ và thẩm quyền nhất định. Sau đó, xã hội sẽ rèn giũa và tôi luyện nhân cách các em. Như thế, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa phụ huynh, nhà trường và xã hội…”.
Bài, ảnh: Đông Sa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)