Học sinh Trường THPT Năng khiếu Thể dục thể thao Nguyễn Thị Định (quận 8) trong giờ học thể dục
|
Năm học 2010-2011, quận 8, TP.HCM có 157 học sinh (HS) nghỉ, bỏ học, trong đó khối THCS là 22 em và THPT là 135 em. Trước thực trạng này, vừa qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có buổi làm việc với Quận ủy quận 8 và các ban ngành liên quan nhằm tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng trên…
Do đâu HS nghỉ, bỏ học nhiều?
Quận 8 là nơi giáp ranh với nhiều quận của TP, tập trung đông lao động nhập cư, thường xuyên biến động do thay đổi việc làm, di dời, giải tỏa… Địa bàn dân cư trải rộng, đi lại khó khăn nhất là những vùng nằm ở khu vực thường xuyên bị triều cường. Một số hộ dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập nên đã cho con nghỉ học để phụ giúp gia đình hoặc quản lý lỏng lẻo việc học tập của con em mình, hầu như khoán trắng cho nhà trường. Bên cạnh đó, những HS trong diện phổ cập học yếu, chán học nên việc huy động trẻ còn ở ngoài nhà trường vào các lớp phổ cập bậc THCS và duy trì sĩ số ở các lớp phổ cập có nhiều khó khăn. “Hầu hết hiệu trưởng các trường THPT chưa phối hợp tốt với Phòng GD-ĐT về việc HS nghỉ, bỏ học; đồng thời chưa phối hợp với UBND phường nơi địa bàn cư ngụ, các ban ngành của quận để có giải pháp khắc phục cụ thể đối với số HS này”, ông Triệu Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận 8 trăn trở. Về phía nhà trường, hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn quận cũng nêu thực tế: Số HS nghỉ, bỏ học nhiều nhất là của khối 10, nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu tập trung ở những đối tượng HS không có hộ khẩu thường trú tại địa phương, các em theo cha mẹ di cư đến địa phương khác để làm ăn, sinh sống. Một số HS có hoàn cảnh đặc biệt, nhiều em nghỉ, bỏ học vì phải ở nhà trông em, phụ giúp gia đình kiếm sống, dù giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà động viên, thuyết phục các em quay trở lại trường, trao học bổng, miễn giảm toàn bộ học phí nhưng đều thất bại!
Theo bà Đổng Thị Kim Vui, Bí thư quận 8 thì: “Trước thực trạng HS trên địa bàn quận nghỉ, bỏ học nhiều, quận đã thành lập tổ công tác của quận, phường, tổ dân phố… để vận động HS đang có nguy cơ nghỉ, bỏ học trở lại trường. Bên cạnh đó, quận cũng dành riêng nhiều khoản kinh phí để trao học bổng cho các em, tặng xe đạp, phối hợp với các chùa trên địa bàn tặng gạo, nhu yếu phẩm cho gia đình các em để PHHS yên tâm cho con em tới trường. Nhưng tỷ lệ HS nghỉ bỏ học giảm không cao, đặc biệt, những HS học lực yếu, đạo đức kém dù thuyết phục, động viên liên tục nhưng các em chán học, không chịu tới trường chiếm một tỷ lệ không nhỏ và đây chính là đối tượng đang khiến quận “đau đầu”.
Giải pháp chống nghỉ, bỏ học
Tổ chức các buổi ngoại khóa sẽ giúp học sinh yêu mến trường lớp, hạn chế được việc nghỉ học. Ảnh: Ngọc Anh |
Theo bà Đào Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm GDTX quận 8 thì, cơ sở vật chất chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc HS nghỉ, bỏ học mà chủ yếu là do bộ máy hoạt động, quản lý còn nhiều bất cập, bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó, công tác chủ nhiệm phải thường xuyên, liên tục, phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên chủ nhiệm – nhà trường – địa phương – phụ huynh. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT thì: “Thực tế HS trên địa bàn quận 8 nghỉ, bỏ học so với mức bình quân chung của TP không phải ở mức “báo động” nhưng quận 8 không chủ quan và buổi làm việc này đã chứng minh sự quan tâm, lo lắng của quận 8 trước thực trạng trên. Để giải quyết số HS nghỉ, bỏ học, giúp các em quay trở lại trường học thì việc tiếp tục đầu tư xây dựng mới trường, lớp, tạo ra môi trường sư phạm thân thiện là mấu chốt của vấn đề. Tìm giải pháp để khắc phục thực trạng HS nghỉ, bỏ học, Hiệu trưởng Trường TC Nghiệp vụ kỹ thuật Nam Sài Gòn Trần Ngọc Trình cho rằng: Việc phân luồng, hướng nghiệp cho HS tại bậc học THCS là cốt lõi để định hướng tương lai cho các em. Nếu công tác phân luồng, hướng nghiệp được các trường THCS làm tốt sẽ hạn chế được tình trạng HS nghỉ, bỏ học. Ngoài ra, mỗi giáo viên chủ nhiệm phải là một nhà tâm lý, hiểu HS và hoàn cảnh gia đình của các em mới có thể chia sẻ, động viên các em tiếp tục tới trường hay đi học nghề hoặc học TCCN. Môi trường sư phạm phải xanh – sạch – đẹp, các hoạt động ngoại khóa đa dạng, phong phú mới cuốn hút các em tới trường. Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP cho rằng: Lãnh đạo trường học nào quan tâm tới xây dựng “trường học thân thiện – học sinh tích cực”, tạo ra nhiều “sân chơi” cho HS thì dù trường đó cơ sở vật chất còn hạn chế nhưng tỷ lệ HS nghỉ, bỏ học sẽ giảm hoặc không còn.
Được biết, trong quý 1/2012 TP đã chấp nhận rót vốn cho quận 8 khởi công xây mới bốn trường và quý 2 tiếp tục rót vốn để khởi công xây mới Trường THPT Ngô Gia Tự. Quận 8 đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện quy chế “Phối hợp giữa Sở GD-ĐT với quận và các tổ chức có liên quan trong lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng GD, xây dựng Đảng, đoàn thể chính trị – xã hội tại các trường THPT và TT GDTX” nhưng sẽ bổ sung thêm bậc THCS vào quy chế này. “Việc đầu tư về cơ sở vật chất, xây mới và sửa chữa trường, lớp học trong những năm gần đây luôn được Quận ủy, UBND quận quan tâm và chỉ đạo các ban ngành tập trung toàn lực cho ngành GD-ĐT. Quận 8 đề ra ba mục tiêu, đó là từ nay đến năm 2020 phải vận động được số HS nghỉ, bỏ học vào học TCN hoặc TCCN; hạn chế HS nghỉ, bỏ học, không để các em lêu lổng ngoài xã hội; hoàn thành phổ cập bậc trung học; công tác thông tin hai chiều giữa các trường THPT và quận phải gắn bó mật thiết; tư vấn, phối hợp tổ chức các chương trình hướng nghiệp (hai đợt trong năm); có chế độ hỗ trợ tốt hơn nữa cho các em đi học sơ cấp nghề, TCN và TCCN”, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó chủ tịch UBND quận 8 cho biết thêm. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP cũng yêu cầu: “Việc xây dựng “trường học thân thiện – học sinh tích cực” phải được các trường trong toàn quận coi là nhiệm vụ trọng tâm. Bậc THPT trong những năm qua được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của quận 8 nhưng tại sao lại để xảy ra tình trạng phối hợp không chặt chẽ với địa phương? Trách nhiệm này trước hết thuộc về các trường! Các trường phải phối hợp chặt chẽ với PHHS một cách chủ động, tích cực để có giải pháp tốt hơn trong việc ngăn chặn HS lưu ban, nghỉ, bỏ học”.
Bài, ảnh: Quang Huy
Bình luận (0)