Với nỗ lực duy trì dạy học trực tiếp, trường học tại TP.HCM xây dựng linh hoạt biện pháp phòng dịch. Trong đó, tăng cường kiểm soát đầu vào, ngăn chặn sớm mầm bệnh xâm nhập vào trường…
Trường học tại TP.HCM tăng cường tầm soát để ngăn chặn sớm mầm bệnh vào trường
Tăng tầm soát đầu vào
Tại Trường THPT Tân Phong (Q.7), tỷ lệ học sinh đến trường thời điểm này dao động từ 85-95%. Thầy Trần Công Bình (Hiệu trưởng nhà trường) thông tin, sở dĩ con số dao động là vì nhà trường siết tầm soát dịch bệnh ngay từ đầu vào, chứ không phải học sinh nghỉ học do lo sợ dịch bệnh.
“Rút kinh nghiệm từ một vài trường hợp tuần đầu trở lại sau Tết, hiện nay nhà trường làm rất kỹ khâu tầm soát các ca F1. Kết quả của việc mạnh tay này là không phát sinh các ca nhiễm mới tại trường, dù số ca F0 tại nhà sau 1, 2 ngày nghỉ đều có. Tuần này, số F0 trong trường không tăng”, thầy Bình chia sẻ.
Dù vậy, hiệu trưởng này cho hay, nhà trường chỉ có thể tầm soát học sinh trong thời gian các em học tập, sinh hoạt tại trường. Vào cuối tuần, khi học sinh được nghỉ, các em giao lưu, vui chơi, ăn uống nên rất khó khăn để trường tầm soát F0, F1.
“Với hơn 1.600 học sinh toàn trường, việc tầm soát, sàng lọc, ngăn chặn kịp thời mầm bệnh vào trong trường là không hề đơn giản. Đa số các ca F0 trong trường qua điều tra dịch tễ đều đến từ nguồn lây bên ngoài nhà trường. Khi truy vết thì luôn xuất hiện thêm một nhóm học sinh chơi thân với nhau, cùng nhau ăn uống, gặp gỡ, vui chơi vào cuối tuần. Do đó, để tầm soát tốt, ngăn chặn kịp thời nguồn lây vào trường, GVCN phải nắm thêm mối quan hệ của học sinh trong lớp”, thầy Trần Công Bình nhìn nhận.
Từ sau Tết, mỗi cuối tuần, trước khi trở lại trường học, Trường THPT Thủ Đức (TP.Thủ Đức) lại phát thông báo: Khuyến khích phụ huynh nếu có điều kiện nên thực hiện xét nghiệm học sinh có biểu hiện liên quan đến dịch bệnh, thông báo đến GVCN trước 10 giờ đêm chủ nhật để nhà trường kịp thời xử lý trước khi trở lại trường vào sáng thứ hai.
“Biện pháp này trường chỉ khuyến khích phụ huynh chứ không bắt buộc phụ huynh thực hiện. Vì khi trở lại trường, các em đều được tầm soát như đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế… Cuối tuần, GVCN vẫn nắm tình hình sức khỏe học sinh tuy nhiên cuối tuần các em ở nhà, có các mối quan hệ, vui chơi khó kiểm soát hơn trên lớp nên việc phụ huynh chủ động tầm soát sẽ phần nào giúp nhà trường kiểm soát dịch tốt hơn…”, thầy Võ Thanh Toàn – Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ.
Nỗ lực duy trì dạy học trực tiếp
Với đặc thù bậc mầm non, trẻ còn nhỏ chưa có ý thức phòng dịch cao, Trường Mầm non Tuổi thơ 7 (Q.3) đã xây dựng đa dạng phương án phòng dịch phù hợp với từng độ tuổi mầm non, nhà trẻ (dưới 3 tuổi).
Cô Vũ Đỗ Thúy Hiền (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, ở bậc nhà trẻ, trường bố trí 4 giáo viên và 1 bảo mẫu phụ trách lớp để dễ bề quan sát, theo dõi, chia nhỏ nhóm trẻ, hạn chế lây nhiễm. Khi đón trẻ, nhân viên y tế cùng với ban giám hiệu sẽ túc trực ngoài cổng để quan sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các biểu hiện về sức khỏe của trẻ.
Ở khối mầm non, trẻ được hướng dẫn rửa tay thường xuyên, hình thành những kỹ năng mùa dịch, trang bị cách nhận biết dấu hiệu sức khỏe bản thân như ho, sốt, khó thở… để báo cho giáo viên, cha mẹ. Với trẻ 5-6 tuổi, nhà trường khuyến khích trẻ mang khẩu trang trong thời gian ở trường…
“Khi tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ trong mùa dịch, các cô chia lớp thành nhiều góc nhỏ để trẻ vui chơi. Mỗi giáo viên được giao phụ trách từng nhóm. Trường cũng thực hiện xét nghiệm tầm soát hàng tuần cho đội ngũ. Trên hết, công tác tuyên truyền, trao đổi với phụ huynh được các cô chú trọng, xuyên suốt, thực hiện qua tâm tình, bày tỏ để phụ huynh thấu hiểu, đồng hành, cùng nhà trường tầm soát để bảo vệ trẻ”, cô Hiền nhìn nhận.
Từ sau Tết, Ban VHXH-HĐND TP.HCM đã tổ chức nhiều buổi khảo sát công tác dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Từ thực tế khảo sát, ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban VHXH, HĐND TP.HCM đánh giá, trong điều kiện hết sức khó khăn như hiện nay, việc vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến là thử thách và áp lực rất lớn cho các nhà trường, thầy cô. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục và đội ngũ đã rất nỗ lực tổ chức dạy và học trực tiếp, nỗ lực phòng chống dịch đảm bảo an toàn cao nhất cho học sinh khi đến trường.
Dạy và học trong bối cảnh dịch là áp lực lớn đối với nhà trường và các thầy cô giáo
Ông Bình cho rằng, để công tác dạy học trực tiếp thời gian tới được ổn định, an toàn trong bối cảnh dịch, nhất là khi số F0 trường học gia tăng, các trường cần tăng cường hơn nữa công tác phòng dịch. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức phòng dịch của học sinh, phụ huynh và đội ngũ.
“Khó khăn nhất của các trường là nguồn lực kinh phí phòng dịch hiện còn khá khiêm tốn, cần thêm nhiều nguồn lực hơn nữa từ nhiều kênh, nhiều nguồn, từ phía thành phố cũng như nguồn lực xã hội hóa để các trường thêm an tâm tổ chức dạy học trực tiếp. Về khó khăn này, Ban VHXH-HĐND TP sẽ có thêm các kiến nghị lên Thành uỷ, UBND TP để gỡ khó cho các trường, giúp các trường an tâm hơn khi dạy và học trực tiếp”, ông Cao Thanh Bình nói.
Trước bối cảnh F0 trường học gia tăng, ông Bình khẳng định, các trường vẫn đang kiểm soát tình hình dịch trong nhà trường. Đặc biệt, từng nhà trường, giáo viên đã rất linh hoạt, thích ứng chuyển đổi dạy và học từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại, mang đến môi trường rèn luyện, phát triển tốt nhất cho học sinh. Do vậy, việc dạy và học trực tiếp hiện nay là cực kỳ cần thiết, ngay cả khi ở bậc mầm non tỷ lệ đến trường chỉ là 50%…
Yến Khương
Bình luận (0)