Theo Sở TN-MT TPHCM, từ năm 2019-2022, thành phố đã bắt, xử lý 365 vụ, tịch thu 208 phương tiện, 64.983m3 cát và xử phạt khoảng 6 tỷ đồng với các đối tượng khai thác cát trái phép… Tuy nhiên, khai thác cát trái phép trên địa bàn thành phố vẫn rất phức tạp.
Lực lượng chức năng bắt các đối tượng khai thác cát trái phép ở huyện Cần Giờ
Ngày càng manh động
Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết, giai đoạn 2019-2022, huyện đã phát hiện 70 trường hợp, đã xử phạt 64 trường hợp với số tiền hơn 200 triệu đồng và tịch thu nhiều tang vật như máy hút, cát… Hiện nay, công tác phòng chống khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, với đặc điểm vùng biển rộng, giáp ranh nhiều tỉnh nên khi bị lực lượng chức năng phát hiện và truy đuổi, các đối tượng khai thác cát trái phép bỏ chạy theo nhiều hướng khác nhau, gây khó khăn cho công tác truy bắt; các đối tượng luôn canh gác, cảnh giới khu vực ở các trạm, chốt nên khi triển khai lực lượng, phương tiện tuần tra, các đối tượng dễ phát hiện để chạy trốn hoặc đánh chìm các phương tiện. Không những thế, các đối tượng còn lợi dụng hợp đồng khai thác, mua bán vận chuyển, hóa đơn, chứng từ có sẵn từ mỏ cát ở các tỉnh ĐBSCL để khai thác, tiêu thụ cát trái phép, trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Đại diện UBND phường Long Phước, TP Thủ Đức cũng cho biết, từ năm 2019 đến 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn xảy ra 27 vụ khai thác cát trái phép, bắt 37 đối tượng, tạm giữ 36 ghe thuyền các loại. Công tác phòng chống khai thác cát trái phép trên địa bàn cũng đang gặp một số khó khăn như biên chế công an phường trong những năm qua thiếu, các đối tượng thực hiện hành vi khai thác, vận chuyển, mua bán cát trái phép rất manh động, chúng sử dụng ghe gắn máy có công suất lớn, sẵn sàng đâm vào phương tiện của lực lượng chức năng để tẩu thoát; chúng luôn bố trí người cảnh giới để khi phát hiện lực lượng chức năng tuần tra sẽ thông báo cho nhau, gây khó khăn trong công tác bắt giữ, xử lý.
Trong khi đó, theo ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống khai thác cát trái phép. Trong các năm qua, số vụ khai thác cát trái phép bị phát hiện, xử lý trên địa huyện giảm rõ rệt. Tuy vậy, công tác phòng chống vẫn còn những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, do địa hình sông nước, kiểm tra vào ban đêm nên công tác trinh sát khó khăn, khó bố trí lực lượng tiếp cận, theo dõi.
Các đối tượng khai thác cát rất manh động, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng; nguồn kinh phí phục vụ công tác định giá tang vật vi phạm về hoạt động khai thác cát trái phép còn hạn chế, gây khó khăn trong việc xác định thẩm quyền ra quyết định tịch thu tang vật. Ngoài ra, vấn đề tạm giữ phương tiện còn khó thực hiện do chưa có bến bãi để tạm giữ lâu dài.
Phối hợp mở rộng kiểm tra
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hoạt động khai thác cát, kinh doanh cát trái phép được đánh giá là thu lợi nhuận cao mà kinh phí đầu tư không nhiều. Do đó, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng, sẵn sàng chống trả quyết liệt, đánh chìm phương tiện để tẩu thoát. Hậu quả khai thác cát trái phép làm thất thoát tài nguyên, gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, tác động xấu công trình ven bờ, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản người dân. Do đó, trong thời gian tới, thành phố cần thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp để ngăn chặn.
Đại diện Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TPHCM cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ thực hiện tốt quy chế phối hợp, thiết lập “đường dây nóng” với các tỉnh nhằm thu thập thông tin, tài liệu về hoạt động của các mỏ khoáng sản đã được cấp phép, trữ lượng được cấp quyền khai thác, phương tiện vận chuyển, đơn vị tiêu thụ. Qua đó, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn mua bán hóa đơn để hợp thức hóa nguồn gốc cát trái phép.
Mặt khác, phối hợp các cơ quan chức năng thuộc Sở KH-ĐT, Cục Thuế, Sở TN-MT thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động và việc kê khai nộp thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp và việc xuất hóa đơn giá trị gia tăng của doanh nghiệp liên quan đến việc cung cấp cát san lấp, cát xây dựng cho các dự án, công trình xây dựng, bến bãi kinh doanh cát trên địa bàn thành phố.
Thượng tá Phạm Văn Thắng, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng TPHCM, nhìn nhận, thủ đoạn của các đối tượng khai thác cát trái phép rất tinh vi, thường khai thác từ 21 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Địa điểm khai thác thường là những vùng biển xa bờ từ 6 đến 10 hải lý và là địa bàn giáp ranh giữa TPHCM với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre… Để hợp thức hóa nguồn gốc cát, nhiều đối tượng sử dụng hóa đơn khống…
Vì vậy, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản vùng giáp ranh với các tỉnh, thành phố sẽ triển khai các biện pháp, giải pháp có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, tiến hành mở hồ sơ điều tra hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng (cát, sỏi, hoạt động nạo vét luồng hàng hải) của các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn thành phố, phạm vi mở rộng xuống các tỉnh Tây Nam bộ. Qua đó nắm bắt phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để tìm hướng xử lý triệt để. Đồng thời thành lập tổ liên ngành giữa các tỉnh giáp ranh để phối hợp kiểm tra phương tiện khai thác, vận chuyển cát liên tỉnh, bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng là cát, sỏi…
MINH HẢI (theo SGGP)
Bình luận (0)