Thợ hớt tóc cũng là một trong những nghề dễ mắc bệnh suy tĩnh mạch chi dưới |
Bệnh suy tĩnh mạch âm thầm tiến triển đối với những người làm việc văn phòng phải ngồi hay những người phải đứng nhiều như giáo viên, bán hàng, thợ hớt tóc, nấu bếp trong nhà hàng… Bệnh béo phì cũng là một trong những nguyên nhân gây nên chứng suy tĩnh mạch hai chân.
Theo khảo cứu tại Anh và Mỹ cho thấy có tới 74,8% số người mắc bệnh béo phì bị suy tĩnh mạch chi dưới và 70% giáo viên phải đứng lớp giảng dạy mắc chứng suy tĩnh mạch hai chân. Ít hoạt động thể lực cũng là một trong những nguyên nhân đáng kể.
Do các triệu chứng ban đầu của chứng suy tĩnh mạch hai chân thường mờ nhạt và thoáng qua như mỏi chân, chuột rút (vọp bẻ) về đêm… làm cho người bệnh dễ bỏ qua và không chú ý nhiều. Nhiều trường hợp chỉ thấy xuất hiện nổi gân như giun bò trên bắp chân lại không kèm theo biểu hiện gì gây đau đớn nên rất dễ bị bỏ qua.
Những hiện tượng cần quan tâm theo dõi: Do hệ thống van tĩnh mạch bị giảm chức năng dẫn tới rối loạn về huyết động học khiến dòng máu bị ứ trệ trong lòng tĩnh mạch và trở về khó khăn, đồng thời gây biến dưỡng tại vùng mô xung quanh, làm xuất hiện các triệu chứng như nổi gân chằng chịt ở bắp chân hay đùi, nặng chân, có cảm giác như kiến bò, vọp bẻ về đêm…
Các chuyên gia về suy tĩnh mạch cho biết, các biện pháp đơn giản sau đây rất hữu hiệu trong việc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới:
– Đi bộ, bơi lội, đi xe đạp là những biện pháp tốt nhất giúp cho hệ thống bơm cơ ở bàn chân, bắp chân hoạt động tích cực bơm máu từ dưới chân lên cao rồi trở về tim. Khi bơi các cơ hoạt động gia tăng chức năng của các van tĩnh mạch, khiến cho các tĩnh mạch dẻo dai và các tĩnh mạch nông được nước xoa bóp… Các biện pháp này giúp cơ hoạt động mạnh tạo sức ép cho tĩnh mạch đổ về tim.
– Hoạt động khi làm việc văn phòng, không ngồi lâu một tư thế; sau 30-60 phút nên đứng dậy đi lại trong văn phòng, riêng giáo viên sau 30 phút (phải đứng giảng dạy) cũng nên tìm chỗ ngồi cho đôi chân được thư giãn, nếu điều kiện cho phép, nên ngồi gác chân lên cao ngang mặt để giúp máu dễ lưu thông từ hai chân về tim. Trong lúc ngồi làm việc, khi đang đứng giảng dạy, thỉnh thoảng có thể phối hợp tập các bài vận động như co duỗi các ngón chân, xoay bàn chân, gấp duỗi cổ chân, gót chân… để giúp máu lưu thông điều hòa.
– Xoa bóp hàng ngày trước khi đi ngủ và sáng dậy nên tiến hành xoa bóp vài phút cẳng chân và đùi ở tư thế gác chân cao hơn đầu để giúp máu dễ lưu thông về tim.
– Kê chân cao. Khi nghỉ ngơi hay ngủ đêm cần kê cao 17-20cm so với giường tạo thuận lợi cho máu lưu thông trong tĩnh mạch.
– Sử dụng băng thun hay vớ y khoa. Băng thun hay vớ y khoa được làm bằng chất liệu co giãn được dùng hữu hiệu trong các trường hợp suy tĩnh mạch nông vào ban ngày, khi phải đứng nhiều hoặc khi đi bộ có tác dụng giúp phục hồi áp suất chênh lệch giữa hai hệ thống tĩnh mạch nông và sâu, thông qua hệ thống tĩnh mạch xuyên, giảm đường kính lòng tĩnh mạch để gia tăng khả năng vận chuyển máu khi nghỉ ngơi hoặc lúc gắng sức.
– Chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn uống giàu rau cải xanh tươi và trái cây tươi chín có nhiều chất xơ giúp phòng chống táo bón – táo bón gây bất lợi cho tĩnh mạch. Khẩu phần đủ chất khoáng và các nhóm sinh tố, nhất là sinh tố nhóm C (vitamin C) giúp gia tăng tính đàn hồi của tĩnh mạch.
– Vận động tập hít thở sâu vào buổi sáng và buổi tối giúp tạo áp lực hút để máu tĩnh mạch được bơm về tim ổn định hơn.
– Chống bệnh béo phì. Các nghiên cứu tại Anh và Mỹ cho thấy béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ cao cho bệnh suy tĩnh mạch chi dưới xuất hiện và tiến triển nhanh. Béo phì gây lực ép vào các tĩnh mạch khung xương chậu là tĩnh mạch có rất ít van, gây ứ đọng máu tại tĩnh mạch chi dưới.
– Sử dụng thuốc. Một số loại dược phẩm có tác dụng làm dẻo bền thành mạch như biệt dược Daflon, Rutin C, Veinamitol… nhưng phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của chứng suy tĩnh mạch hai chân mà thôi. Khi cần sử dụng tốt nhất nên có chỉ định của bác sĩ chuyên về suy tĩnh mạch chi dưới.
Theo dự đoán của các chuyên gia y tế, bệnh suy tĩnh mạch chi dưới ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển kinh tế và thay đổi nếp sống trong thời đại hiện nay. Vì vậy sự quan tâm ý thức phát hiện kịp thời chứng suy tĩnh mạch chi dưới từ những đối tượng theo ngành nghề kể trên là điều hết sức thiết thực, giúp tránh được những hậu quả không nhỏ cho y tế và xã hội.
BS.PHẠM KHẮC TRÍ
Theo kết quả thăm dò của khoa Y thuộc Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho thấy có tới 77,6% bệnh nhân không hề biết bệnh suy tĩnh mạch trước đó, 91,3% bệnh nhân biết mình mắc bệnh nhưng không đi khám và điều trị… |
Bình luận (0)