Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngăn chặn tình trạng học sinh “lớn” nhanh hơn tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM đã có đợt triển khai tập huấn công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật phòng chống tội phạm và bạo lực học đường cho công an 24 quận/ huyện trên địa bàn TP. Sau đợt tập huấn này, lực lượng công an 24 quận/huyện sẽ đồng loạt thực hiện các buổi tuyên truyền pháp luật tại các đơn vị trường học, địa bàn dân cư có thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên. Trong đó, nội dung trọng tâm được hướng đến là giới thiệu một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, những tội danh thanh thiếu niên hay mắc phải, chuyên đề “yêu” trong lứa tuổi thanh thiếu niên hoặc những vấn đề liên quan đến tình dục…
Nhìn lại thực tế các vụ vi phạm pháp luật diễn ra trong học đường thời gian qua mới thấy hết mức độ phức tạp và tính chất nguy hiểm ở tâm lý tuổi học trò hiện nay. 19 vụ việc đánh nhau nghiêm trọng có sử dụng hung khí, cấu kết băng nhóm và lôi kéo các đối tượng ngoài xã hội, trong đó có 2 trường hợp học sinh tử vong (tại Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm và Nguyễn Trung Trực); hiện tượng học sinh đi xe máy gây tai nạn, bắt chước những cảnh “nóng” trên mạng đang ngày một phổ biến. Tuổi học trò như trang giấy trắng, nhưng dường như các em đang “lớn” nhanh hơn dưới tác động của các luồng thông tin “bẩn” ngoài xã hội được lan truyền với tốc độ nhanh qua internet. Các em hành động chỉ với tâm lý tò mò, bắt chước, muốn thể hiện mình mà chưa lường hết mức độ nghiêm trọng từ những việc làm đó. Những bài học giáo dục công dân, hoạt động kỹ năng ngoại khóa trong nhà trường vẫn chưa đủ sức để cảnh báo, răn đe và phòng ngừa các nguy cơ có thể bộc phát từ xã hội. Và cái “bắt tay” giữa ngành công an với ngành giáo dục trong việc tuyên truyền, cảnh báo mức độ nguy hiểm của các hành vi dễ dẫn đến các tội danh sẽ là một tín hiệu vui trong việc hạn chế những hành động bồng bột ở lứa tuổi học trò.
Vy Tường

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)