Sự kiện giáo dụcTin tức

Ngăn cúm gia cầm vào trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường hạn chế thực phẩm chế biến từ gà, vịt trong các bữa ăn để phòng dịch cúm gia cầm

Từ đầu năm đến nay, cúm gia cầm đã xuất hiện tại 11 tỉnh trong cả nước. Nguy hiểm hơn, cúm gia cầm (cúm A/H5N1) đã lây sang người khiến 2 trường hợp tử vong. Trước tình hình này, để đảm bảo an toàn, nhiều trường tổ chức bán trú đã hạn chế sử dụng thịt và trứng gia cầm trong khẩu phần ăn của học sinh…
Thịt gà ít xuất hiện trong thực đơn
Thứ 5 (ngày 23-2), trong thực đơn của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 có món mặn là tôm rim thịt, món canh là cá basa nấu ngót và tráng miệng với chuối cau. Còn bữa ăn xế là yaourt. Ngày 24-2 (thứ 6), học sinh của trường sẽ ăn trưa bằng món bánh mì xíu mại. Trước đó, ngày 22-2 (thứ 4), món mặn là thịt bò. Nhìn thực đơn hàng tuần của trường, món thịt gà và trứng gia cầm tương đối hiếm hoi.
Giải thích về vấn đề này, cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mỗi khi dịch cúm gia cầm xuất hiện, nhà trường thường hạn chế cho học sinh ăn thịt gà mà thay vào đó bằng thịt heo, thịt bò, tôm, cá”.
Được biết, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm có trên 1.600 học sinh ăn trưa tại trường. Theo đó, nhà trường đã tổ chức bếp ăn tập thể để nấu ăn phục vụ học sinh.
Còn Trường THCS Huỳnh Tấn Phát, Q.7, mặc dù có trên 1.300 học sinh nhưng chỉ có 300 em ăn trưa tại trường. Nhà trường đã hợp đồng với Công ty Cung cấp suất ăn công nghiệp Minh Hiếu để cung cấp suất ăn hàng ngày cho các em. “Thực đơn do công ty lên và gửi cho nhà trường. Nhà trường sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng cũng như sở thích của học sinh. Trước đây, khi dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh, nhà trường đã bỏ hẳn món trứng và thịt gà ra khỏi thực đơn. Còn năm nay, nhà trường vẫn cho học sinh ăn thịt gà và trứng nhưng lâu lâu mới cho ăn. Chẳng hạn, tuần này có một ngày ăn trứng, thì tuần sau có một ngày ăn thịt gà”, cô Lê Thị Chín – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Cô Vũ Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bến Thành, Q.1 cũng cho biết: “Mỗi khi dịch cúm gia cầm xuất hiện, nhà trường đều hạn chế đưa thịt gà và trứng gia cầm vào khẩu phần ăn của các bé…”.
Quan trọng vẫn là nguồn thực phẩm

Từ khi cúm gia cầm xuất hiện, khẩu phần ăn của học sinh đã hạn chế trứng và thịt gà (ảnh chụp tại Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1  ngày 23-2)

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trứng và thịt gà có giá trị dinh dưỡng cao. Nếu vì cúm gia cầm mà loại bỏ những thực phẩm này ra khỏi khẩu phần ăn là không nên.
Bởi vậy, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết các trường chỉ hạn chế chứ không loại bỏ thịt gà và trứng ra khỏi khẩu phần ăn của học sinh. “Để khẩu phần ăn được phong phú, thỉnh thoảng nhà trường cũng cho học sinh ăn thịt gà, phần lớn là đùi gà chiên hoặc rô ti. Nguyên liệu được nhà bếp mua của Công ty Vissan nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh”, cô Điệp – Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết.
“Trước khi ký hợp đồng với Công ty Minh Hiếu để cung cấp suất ăn cho học sinh, chúng tôi đã yêu cầu công ty cho xem hợp đồng mua thực phẩm. Khi biết công ty này chỉ mua thực phẩm, trong đó bao gồm cả trứng và thịt gà của Công ty Vissan, nhà trường mới quyết định ký hợp đồng. Nhà trường luôn phải đặt vấn đề an toàn của học sinh lên hàng đầu”, cô Chín – Trường Huỳnh Tấn Phát khẳng định.
Đúng vậy. Không phải cứ ăn thịt gia cầm và trứng là mắc cúm A/H5N1, thậm chí là tử vong. Bởi theo phân tích của bác sĩ Lê Hoàng San – Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM đối với 2 trường hợp (trường hợp thứ nhất là một thiếu niên (16 tuổi) ở Kiên Giang; trường hợp thứ 2 là một phụ nữ (26 tuổi) ở huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng tử vong do mắc cúm A/H5N1 thì nguyên nhân là do người dân vẫn sử dụng gia cầm bệnh làm thức ăn. Và khi mắc bệnh, họ không nghĩ đến cúm gia cầm mà chỉ nghĩ mắc bệnh cảm sốt thông thường và tự ý mua thuốc uống. Do đó khi được đưa đến bệnh viện thì đã trễ, ảnh hưởng nhiều đến quá trình điều trị.
“Người dân khi phát hiện gia cầm bệnh, chết tuyệt đối không giết mổ và sử dụng. Đảm bảo ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị”, bác sĩ San khuyến cáo.
Bài, ảnh: Kim Anh
 
Tập trung lực lượng dập tắt dịch cúm gia cầm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tập trung mọi lực lượng, phương tiện và thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm nhanh chóng dập tắt dịch, không để dịch lây lan rộng.
Tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm, khi có dịch xảy ra phải lấy mẫu gửi xét nghiệm và tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực có dịch, đồng thời lập chốt kiểm dịch ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài ổ dịch.
Các địa phương cần kiện toàn và khôi phục hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; giao trách nhiệm cụ thể cho các cá nhân về công tác phòng chống dịch. Thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo thực hiện việc phòng, chống dịch đến cấp thôn, ấp tại các địa bàn có nguy cơ cao.
Tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn gián gia cầm trên địa bàn. Thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát có hiệu quả việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra vào địa bàn.
Chính quyền địa phương cấp xã nơi có dịch cúm gia cầm phải tổ chức quản lý chặt ổ dịch, cấm vận chuyển, cấm giết mổ gia cầm trong vùng dịch.
Đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, yêu cầu rà soát toàn bộ số gia cầm thuộc đối tượng tiêm trong địa bàn tỉnh để tiêm phòng bổ sung, đặc biệt chú ý đàn thủy cầm, yêu cầu tiêm phòng đạt tỷ lệ 100% cho đàn vịt đến tuổi tiêm phòng theo quy định; khuyến cáo người dân không nuôi vịt thả đồng trong thời gian này.
VGP
 
 

Bình luận (0)