Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngăn dòng HS lưu ban, bỏ học

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đang tìm hiểu về công nghệ kỹ thuật ô tô
Mỗi năm, TP.HCM có trung bình 70.000 HS tốt nghiệp THCS, trong số này có không ít em không đủ khả năng học tiếp chương trình phổ thông.
Tuy nhiên, phụ huynh HS vẫn muốn con em mình tiếp tục học lên cao, từ đó dẫn đến thực trạng HS lưu ban, bỏ học giữa chừng gây lãng phí công sức, thời gian cho gia đình và các em.
Còn nhiều HS bỏ học
Theo kết quả khảo sát của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2010-2011 có 76.039 HS tốt nghiệp THCS; trong số này có 63.039 em được vào THPT, số còn lại chủ yếu vào học hệ GDTX; chỉ có hơn 6.000 em vào học hệ TCCN. Tương tự, năm học 2011-2012, toàn thành phố có 78.045 HS tốt nghiệp THCS thì có 64.544 em vào THPT và 12.869 em vào hệ GDTX… Cũng theo khảo sát của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2010-2011 toàn thành phố có 2.469 HS THPT bỏ học và 5.515 HS rớt tốt nghiệp THPT; năm học 2011-2012 có 4.209 HS THPT bỏ học và 2.868 HS rớt tốt nghiệp THPT. Điều đáng nói là khi bỏ học hay rớt tốt nghiệp THPT, số HS này đăng ký theo học tại các trường TCCN rất ít.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Một bộ phận không nhỏ HS không đủ khả năng học lên các bậc cao hơn nhưng do phụ huynh còn có tâm lý “trọng thầy khinh thợ” nên họ quyết định vẫn cho con học tiếp bậc phổ thông bằng mọi giá. Khi lên THPT, do không theo kịp chương trình nên nhiều em buộc phải lưu ban, có em bỏ học giữa chừng về nhà không biết làm gì. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực ở Việt Nam hiện rất cần lao động có tay nghề nhưng phụ huynh lại ít quan tâm đến các trường TCCN, TC nghề gây nên lãng phí rất lớn cho xã hội”.
Trên thực tế, nhiều quận/huyện có số lượng HS bỏ học tăng gấp đôi so với mặt bằng chung của thành phố. Một đại diện của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Q.2 cho biết: Trên địa bàn quận chỉ có hai trường THPT là Thủ Thiêm và Giồng Ông Tố nhưng tình hình bỏ học của HS trong những năm gần đây chiếm 7-8%. Cụ thể, năm học 2009-2010 có 67 HS bỏ học; năm học 2010-2011 có 123 em bỏ học và đến năm học 2011-2012 có đến 162 em bỏ học. Như vậy, trong 3 năm có đến 352 HS THPT trên địa bàn quận bỏ học.
Lý giải nguyên nhân HS THPT trên địa bàn Q.2 bỏ học nhiều, thầy Nguyễn Hoàng Phụng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm, cho rằng do các em có học lực không tốt nhưng không chọn hướng học tập khác mà tiếp tục học phổ thông. Nhiều em mất kiến thức cơ bản nên chán nản, lười học dẫn đến lưu ban, bỏ học. Vì vậy, cần có một hướng đi khác phù hợp hơn với những HS này.
Bên cạnh nguyên nhân xuất phát từ năng lực học tập hay tâm lý của phụ huynh, nhiều chuyên gia giáo dục còn cho rằng ngay cả ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm các trường THCS vẫn chưa có sự chuyển biến sâu trong việc phân luồng, hướng nghiệp cho HS.
Giải pháp ngăn ngừa
Để ngăn dòng HS bỏ học, theo ông Phạm Ngọc Thanh: “Cần đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông, mở rộng quy mô đào tạo và đa dạng ngành nghề ở các trường nghề thì mới thu hút được HS”. Với yêu cầu này, các trường phổ thông cùng hàng loạt trường nghề và các ban ngành khác đã cùng góp sức tư vấn hướng nghiệp cho HS, mở rộng mạng lưới trường nghề. Ở Q.2, năm học vừa qua UBND quận đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp quận liên kết với Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh và đào tạo bậc TCCN tại Q.2. Kết quả là có 85 HS không đủ điều kiện vào lớp 10 và 30 HS THPT bỏ học đã tham gia học TCCN tại trung tâm với 3 ngành: Công nghệ kỹ thuật ô tô, du lịch và kế toán. Còn tại Q.Tân Phú, Phòng GD-ĐT đã chủ động xây dựng đề án “Phân luồng HS sau THCS-THPT” và lập kế hoạch thực hiện dựa trên tình hình thực tế của quận như: Chọn các đơn vị liên thông từ TCCN lên CĐ và ĐH để định hướng nhiều đường đi từ bậc phổ thông đến CĐ, ĐH cho HS; giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp quận phối hợp với trung tâm GDTX và các trường THCS trong công tác giáo dục hướng nghiệp, thực hiện đề án phân luồng HS cuối cấp, coi công tác hướng nghiệp và phân luồng HS là nhiệm vụ cần tập trung quan tâm chỉ đạo…
Được biết, năm học vừa qua thành phố có 39.793 HS vào TCCN, đạt 64,8% (tăng 2.600 HS so với năm học 2011-2012).
Bài, ảnh: D.Bình
Theo đánh giá, quy mô đào tạo của các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp ngày càng phát triển, có nhiều loại hình đào tạo đáp ứng được mọi yêu cầu của người học. Hiện có 168.991 HS-SV đang theo học tại các trường CĐ nghề, TCCN…; trong đó bậc CĐ có hơn 47.000 em, TCCN có hơn 72.000 em…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)