Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Ngăn dòng lao động nước ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khủng hoảng, nhiều nước đã áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế lao động nước ngoài bất chấp khó khăn của giới chủ doanh nghiệp trong nước.

Lao động Bangladesh làm việc tại nhà hàng Wangsa Ukay – Ảnh: NYT

Cứ buổi trưa là nhà hàng Wangsa Ukay ở ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia lại đông nghẹt khách. Không đủ người phục vụ, ông chủ Muneandy Nalepan và vợ phải xắn tay dọn bàn. Ông Muneandy từng thuê tới 120 người phục vụ – hầu hết là người nước ngoài – cho năm nhà hàng của ông trong thành phố.

Nhưng hiện tại ông chỉ thuê được 80 nhân công, sau khi 40 người hết hạn làm việc năm năm phải trở về nước. Có lẽ ông sẽ phải đóng cửa một nhà hàng.

Rào cản thủ tục

Không chỉ các ông chủ nhà hàng ca cẩm về tình trạng thiếu lao động nước ngoài, rất nhiều doanh nghiệp, từ các nhà sản xuất nội thất đến găng tay, than thở sản xuất đang giảm sút do thiếu nhân công. Ông Shamsuddin Bardan, giám đốc Liên đoàn Doanh nghiệp Malaysia, cho biết các công ty vẫn đang cố xin tuyển lao động nước ngoài, nhưng thủ tục giờ trở nên hết sức khó khăn.

Từ tháng 4, các doanh nghiệp phải quảng cáo tuyển dụng nhân lực trong nước trong vòng hai tháng, trước khi xin được giấy phép tuyển lao động nước ngoài. Các doanh nghiệp phải trả thuế thường niên 1.800 ringgit (510 USD) với mỗi lao động nước ngoài họ thuê. Doninant Semiconductor, một hãng sản xuất bóng đèn, đang vật lộn với việc tuyển 1.000 nhân công. Chủ tịch Goh Nan Kioh cho biết công ty cứ thuê một người Malaysia thì được phép thuê một người nước ngoài, nhưng không tìm đủ lao động trong nước. “Nếu tình trạng thiếu hụt lao động tiếp tục, chúng tôi sẽ phải chuyển nhà máy sang Trung Quốc” – ông Goh than thở.

Ngành sản xuất găng tay cao su cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển lao động. “Thật đáng tiếc là hiện nhu cầu sản phẩm đang cao mà chúng tôi lại không có đủ công nhân” – giám đốc Hãng Top Glove K.M. Lee ca cẩm. Các doanh nghiệp thừa nhận đang cố giảm phụ thuộc vào lao động nước ngoài bằng cách tăng cường tự động hóa và tăng lương để thu hút lao động trong nước.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực nước ngoài vẫn cực kỳ quan trọng bởi các doanh nghiệp không thể thuê đủ người Malaysia để làm loại công việc 3-D: dangerous (nguy hiểm), difficult (khó khăn), dirty (bẩn thỉu). “Rất khó tuyển người Malaysia – ông Muneandy phân tích thẳng thắn – Họ cho rằng khi làm việc trong nhà hàng, họ sẽ bị mất mặt. Họ cho rằng người Malaysia giờ đã đạt đến ngưỡng đứng trên một số quốc gia châu Á khác”.

Tiếp tục cấm tuyển mới

Từ tháng 1-2009, chính quyền Malaysia cấm các doanh nghiệp ngành sản xuất và dịch vụ thuê thêm nhân công nước ngoài sau khi các chuyên gia lao động dự báo 45.000 người tại Malaysia sẽ mất việc làm. “Chúng tôi lo ngại tác động của khủng hoảng kinh tế đối với công việc của người Malaysia và cả người nước ngoài” – ông Raja Sekaran Govindasamy, tổng thư ký Hội nghị Công đoàn Malaysia, cho biết.

Năm 2008, khoảng 2,2 triệu người nước ngoài, chủ yếu từ Indonesia, Bangladesh, Nepal, Ấn Độ, Myanmar và Việt Nam, làm việc hợp pháp tại Malaysia. Đến tháng 3-2009, số lượng lao động nước ngoài có giấy phép đã giảm xuống còn 1,9 triệu. Chính quyền Malaysia còn muốn giảm con số này xuống còn 1,5 triệu vào năm 2015. Nhiều người cho rằng giảm số lượng lao động nước ngoài sẽ giúp tăng mức lương cơ bản của lao động trong nước.

Dù các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn với tình trạng thiếu hụt lao động trong khi nền kinh tế Malaysia đã thoát khỏi suy thoái từ quý 2, nhưng nhiều khả năng chính quyền vẫn sẽ tiếp tục hạn chế nhân công nước ngoài. Hội nghị Công đoàn Malaysia tuyên bố tình trạng thất nghiệp dù đã dịu bớt nhưng vẫn cần phải cấm tuyển lao động nước ngoài. Các doanh nghiệp nên tìm cách gia hạn visa cho lao động nước ngoài đang làm việc.

Mỹ tăng lương tối thiểu để ngăn lao động nước ngoài

Bộ Lao động Mỹ đang đề nghị áp dụng các quy định mới, trong đó có việc tăng lương tối thiểu và đảm bảo an toàn hơn đối với người lao động đến Mỹ làm trong nông trại. Các quy định mới cũng đòi hỏi những người thuê mướn coi trọng hơn việc sử dụng lao động ở trong nước.

Nếu được thông qua, luật mới sẽ gần như trái với các quy định mà chính quyền George Bush bắt đầu áp dụng ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ và trở lại với khuôn khổ pháp lý đã có hiệu lực từ năm 1987. Các tổ chức công đoàn và quyền di cư thường chỉ trích chính quyền Bush là đã giảm mức lương tối thiểu khiến người lao động Mỹ không cạnh tranh được với lao động nước ngoài.

Với các quy định mới, mức lương trung bình của người lao động sẽ tăng khoảng 1,44 USD mỗi giờ. Ngoài ra, các chủ nông trại còn phải đệ trình giấy tờ chứng minh rằng họ đã cố gắng tuyển lao động trong nước. Đây cũng là lần đầu tiên có quy định bắt buộc phải đăng thông báo tuyển lao động qua mạng để đảm bảo ưu tiên cho lao động trong nước.

Tú Anh (Theo AP)

HIẾU TRUNG (Theo New York Times, New Straits Times)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)