Không chỉ các cá nhân mà ngay cả các ngân hàng cũng tổ chức dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng để thu phí khách hàng.
Thấy lợi, bất chấp
Gần gây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết chặt hoạt động rút tiền “chui” từ thẻ tín dụng thông qua hình thức mua hàng và đã có một số khách hàng bị khóa thẻ. Điều bất ngờ là không chỉ các dịch vụ “chui” rút tiền mặt từ thẻ tín dụng mà ngay cả một số ngân hàng cũng tư vấn đủ dịch vụ rút tiền, cho vay thông qua hình thức chuyển tiền từ thẻ tín dụng vào tài khoản cá nhân của chủ thẻ.
Chị Nguyên (Q.Tân Bình, TP.HCM) kể, cứ cách vài ngày, chị lại nhận được cuộc gọi của nhân viên công ty tài chính F. mời chào chị rút tiền mặt không tốn phí từ thẻ tín dụng để mua sắm. Theo đó, đây là hình thức vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng, các chủ thẻ chỉ cần đề nghị công ty tài chính chuyển tiền từ thẻ tín dụng đến tài khoản cá nhân đứng tên mình, tiền sẽ chuyển thẳng vào tài khoản trong vòng 24 giờ, khách chỉ cần rút tiền mặt ra dùng và trả lãi hằng tháng theo lãi suất thẻ tín dụng.
Hiện các ngân hàng thương mại, ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng áp dụng hình thức này. Một số khách hàng sử dụng thẻ tín dụng từ ngân hàng H. cho biết, từng được mời chào đăng ký rút tiền mặt qua thẻ, sau đó chuyển đổi thành khoản vay trả góp kỳ hạn ngắn. Một số khách hàng từ ngân hàng S. cũng được nhân viên tư vấn về dịch vụ tạm ứng tiền mặt từ thẻ tín dụng; theo đó, khách được nhận tiền trong vòng 24 giờ, số tiền lên đến 90% hạn mức thẻ, với lãi suất từ 18%/năm, cùng các kỳ hạn 12, 24, 36 tháng.
Việc ngân hàng chuyển tiền từ thẻ tín dụng sang tài khoản thanh toán làm ảnh hưởng đến chủ trương không sử dụng tiền mặt của Chính phủ
Gần đây, một số khách hàng rút tiền “chui” từ thẻ tín dụng thông qua hình thức mua hàng, bị ngân hàng khóa thẻ, đã nghĩ ra cách dùng thẻ quẹt đổi ngoại tệ hoặc mua vàng thật, sau đó đem ngoại tệ đổi thành VNĐ hoặc bán vàng để lấy tiền. Theo tính toán, cách thức này rẻ hơn so với rút tiền trực tiếp từ thẻ tín dụng tại ATM.
Hiện nay, mức phí rút tiền từ thẻ tín dụng tại ATM là 4%/tổng số tiền rút và chỉ được rút tối đa 70% hạn mức của thẻ, được tính lãi suất 3,75%/tháng ngay khi rút (tương đương 47,88%/năm); còn nếu thông qua hình thức đem thẻ tín dụng mua ngoại tệ hoặc mua vàng, khách chỉ mất 1-3% phí đối với đổi ngoại tệ và không mất phí gì khi quẹt thanh toán mua vàng. Trong khi đó, khách được quẹt tối đa 100% hạn mức thẻ, được miễn lãi suất 45 ngày.
Ngân hàng cũng làm dịch vụ “chui”
Theo NHNN, việc các tổ chức tín dụng mời gọi khách hàng mở thẻ tín dụng, phê duyệt hạn mức cho vay rồi chuyển hạn mức này từ thẻ dụng vào tài khoản cá nhân là không đúng với quy định hiện hành vì thẻ tín dụng chỉ để thanh toán hoặc rút tiền tại ATM. Việc làm này không phù hợp với chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và NHNN sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm những tổ chức tín dụng vi phạm.
Riêng với phương thức dùng thẻ tín dụng đổi ngoại tệ, mua vàng rồi bán ra để lấy VNĐ, theo phó giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại tại TP.HCM, đây là hình thức lách luật để rút tiền từ thẻ tín dụng. Phương thức này nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng vì khách hàng giao dịch thật, cửa hàng thanh toán thật, có hóa đơn, chứng từ.
Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển – chuyên gia tài chính ngân hàng – cho vay bằng hình thức rút tiền mặt qua thẻ tín dụng hoặc chuyển tiền từ thẻ tín dụng sang tài khoản thanh toán làm lợi cho ngân hàng vì giải ngân được một khoản vay tiêu dùng với lãi suất khá cao (trên 20%/năm), gia tăng chỉ tiêu thẻ phát hành, thu được nhiều khoản phí sau đó.
Dù lợi trước mắt nhưng hình thức này đem đến nhiều rủi ro. Ở nước ngoài, hạn mức thẻ tín dụng được cấp rất sát với thu nhập thực tế, trong khi ở Việt Nam, hạn mức có thể gấp 4-5 lần thu nhập cố định. Việc cấp hạn mức cao, cộng với việc hỗ trợ thêm chủ thẻ thoải mái rút tiền từ thẻ tín dụng khiến ngân hàng không kiểm soát được mục đích vay trên thực tế, dẫn đến khách không có nguồn trả nợ, khả năng chuyển thành nợ xấu của các khoản vay này rất cao. Về phía khách hàng, nếu không kiểm soát được nguồn tiền, có thể vướng vào vòng xoáy nợ nần do lãi suất cao, lãi suất quá hạn, phí phạt nợ quá hạn.
Thiết nghĩ, cần sớm chấn chỉnh tình trạng này để thị trường tài chính không bị méo mó, khách hàng không rơi vào “bẫy” lãi suất, thẻ tín dụng được sử dụng đúng chức năng của nó. “Riêng với việc dùng thẻ quẹt đổi ngoại tệ, mua vàng rồi bán lấy VNĐ, cũng cần phải có biện pháp kiểm soát bằng cách quy định các điểm thanh toán phải kết nối trực tiếp với cơ quan thẻ, để kiểm soát được các điểm này đang làm gì” – một vị phó giám đốc chi nhánh ngân hàng thương mại tại TP.HCM đề nghị.
Theo Thanh Hoa/PNO
Bình luận (0)