Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngân hàng dè dặt chia cổ tức

Tạp Chí Giáo Dục

Lãi giảm mạnh, thậm chí chỉ mong không lỗ nên nhiều ngân hàng thừa nhận khó trả cổ tức 2012. Ngoài ra, áp lực từ "lệnh" cấm chia cổ tức của Thống đốc nếu chưa trích dự phòng rủi ro cũng khiến các ông chủ thêm do dự.

Nhiều nhà băng có thể lại lỡ hẹn cổ tức với cổ đông do năm 2012 quá khó khăn. Ảnh: Hoàng Hà

Nếu như mọi năm, giai đoạn quý III và quý IV là thời điểm các ngân hàng rục rịch công bố tạm ứng, chi trả cổ tức thì đến hết năm 2012, số nhà băng thông báo chỉ lác đác. Tỷ lệ chi trả cũng không còn ở những mức cao trên 10% hay thậm chí 20% như cuối năm 2011.

Đến nay, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) là đơn vị thông báo tỷ lệ tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2012 cao nhất với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. MB cũng là một trong số ít các nhà băng không giảm lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành. Tuy nhiên, theo kế hoạch đưa ra đầu năm của MB là chi trả cổ tức tỷ lệ 15%.
Cùng với MB, một số ngân hàng cổ phần khác đã chi trả tạm ứng cổ tức. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tạm ứng cổ tức 8% bằng tiền mặt. Tháng 11/2012, Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank) cũng tạm ứng cổ tức 7% bằng tiền mặt trong khi Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã tạm ứng 6% và hứa trả tiếp 4% vào tháng 2 năm nay. DaiA Bank cũng đã trả 5% cổ tức trong khi kế hoạch là 12%.
Phần còn lại, các nhà băng đều thông báo việc chi trả cổ tức nhỏ giọt, thậm chí có nơi đánh tiếng là không thể chi trả. Ngay đến khối ngân hàng thương mại Nhà nước cũng phải "nâng lên hạ xuống" khi đưa ra quyết định. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa điều chỉnh giảm tỷ lệ chi trả cổ tức từ 14% xuống 11,7%.
Tương tự, Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cũng cho biết tỷ lệ trả cổ tức chỉ còn 13-15% so với kế hoạch 20% từ đầu năm. Vào đầu năm 2013, bản thân Chủ tịch Vietinbank Phạm Huy Hùng cho biết sẽ trả cổ tức 17% nhưng bằng cổ phiếu để đảm bảo kế hoạch tăng vốn sau khi bán cổ phần cho đối tác chiến lược Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ của Nhật Bản. Về phần mình, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sau khi đề nghị điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu kinh doanh vào giờ "G" cũng bất ngờ hủy ý định và đến nay vẫn chưa có thông tin về cổ tức.
Trao đổi với VnExpress.net, đa phần các ngân hàng cổ phần rất dè dặt khi đưa ra kế hoạch trả cổ tức năm. Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu Nguyễn Thanh Toại cho biết, Hội đồng quản trị chưa chốt phương án trả tiền mặt hay cổ phiếu cũng như tỷ lệ chi trả. Tuy nhiên, đại diện ACB khẳng định dù khó khăn nhưng chắc chắn sẽ có cổ tức. Mặc dù vậy, ông Toại cũng lưu ý, lợi nhuận năm 2012 ước đạt 1.200 tỷ đồng – chưa bằng một phần tư kế hoạch 5.000 tỷ ban đầu – nên tỷ lệ chi trả cổ tức sẽ giảm so với dự kiến ban đầu.
Những năm trước đây, ACB vẫn là một trong những ngân hàng trả cổ tức đều đặn và với tỷ lệ cao trong ngành ngân hàng. Năm 2010, ACB chi trả cổ tức với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt.
Một lãnh đạo của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín Sacombank cho biết đang trình xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước kế hoạch chi trả cổ tức nên chưa thể công bố. Đầu năm, Sacombank dự kiến đạt 3.400 tỷ đồng lợi nhuận và chia cổ tức từ 13-16% nhưng lợi nhuận sau 10 tháng chỉ đạt trên 60% kế hoạch cả năm.
Một chuyên gia tài chính hiện đang tham gia cố vấn tại một ngân hàng cổ phần cho biết, ngoài lợi nhuận sụt giảm mạnh còn có nguyên nhân khiến cổ tức năm nay bi quan là nhiều ngân hàng phải ưu tiên việc thực hiện tái cơ cấu. Sau khi sáp nhập Habubank, SHB phải cáng đáng khoản nợ xấu và xử lý việc giảm lỗ, san lấp vốn chủ sở hữu để bằng và vượt vốn điều lệ. Chính vì vậy, trao đổi với báo chí, lãnh đạo SHB từng thừa nhận chỉ hy vọng không lỗ và ngân hàng này cũng không có nguồn để trả cổ tức. Bù lại, các cổ đông của SHB đã được thưởng bằng cổ phiếu khi hoán đổi cổ phiếu giữa Habubank và SHB.
Theo vị chuyên gia trên, đặc biệt những nhà băng yếu kém, gần như sẽ không có có cơ sở trả cổ tức. Tổng giám đốc một đơn vị vừa tham gia tái cơ cấu trong năm 2012 cũng cho VnExpress biết, ngân hàng này chưa thể trả cổ tức vì phải dành nhiều nguồn lực cơ cấu lại để ngân hàng đi vào ổn định.
Theo Thanh Thanh Lan
Vnexpress

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)