Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngân hàng đồng loạt nâng giá bán USD kịch trần

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hai ngày sau quyết định điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, trong khi tỷ giá bình quân liên ngân hàng đứng yên, giá USD bán ra của nhiều ngân hàng thương mại đã chính thức kịch trần.

Trong ngày đầu tiên việc điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam (VND) với đô la Mỹ (USD) của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực (tăng thêm 2,1%), giá USD mua vào bán ra của các ngân hàng thương mại đều niêm yết dưới mức trần cho phép.
Cụ thể, giá USD bán ra trong ngày 18/8 phổ biến ở mức 19.310 VND, trong khi mức trần là 19.500 VND; giá mua vào cũng chỉ ở mức thấp, quanh mốc 19.100 VND và có chênh lệch đáng kể ở các mức giá niêm yết giữa các ngân hàng. Có thể trong ngày đầu tiên bám theo điều chỉnh mới, các nhà băng cân nhắc để cùng tìm tiếng nói chung.
Và sáng nay (19/8), nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt niêm yết giá USD bán ra ở mức 19.500 VND, kịch trần biên độ cho phép (+/-3%) theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng cùng ngày (vẫn giữ nguyên ở mức 18.932 VND). Mức trần này có tại những thành viên như Eximbank, ACB, DongA Bank, SeABank, SCB…

Việc đồng loạt tăng mạnh giá USD cả mua vào và bán ra, đặc biệt là sự kịch trần của giá bán, đã phản ánh rõ hơn trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, một số ít trường hợp lại có mức giá USD bán ra thấp hơn đáng kể; như tại Vietcombank chỉ ở mức 19.460 VND, và đây cũng là mức niêm yết của Sacombank – thấp hơn 40 VND so với các thành viên nói trên.
Ở giá mua vào, thay cho mức quanh 19.100 VND của ngày hôm qua, giá mua vào sáng nay cũng đã tăng mạnh, dao động từ 19.400 – 19.430 VND.
Thông thường, giá USD mua vào – bán ra phản ảnh một phần trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại. Và việc đồng loạt tăng mạnh giá USD cả mua vào và bán ra, đặc biệt là sự kịch trần của giá bán, sau ngày đầu tiên thực hiện điều chỉnh mới, đã phản ánh rõ hơn trạng thái trên.
Về sự chênh lệch đáng kể giá bán ra giữa một số thành viên, đại diện một ngân hàng thương mại lớn có giá bán ra dưới mốc 19.500 VND cho rằng điều này có thể phụ thuộc vào sự chủ động nguồn ngoại tệ của mỗi thành viên.
“Trước đó chúng tôi đã dự báo được những khả năng biến động để chủ động nguồn ngoại tệ. Thứ hai, chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu thời gian qua đã phát huy tác dụng; đây là thời điểm nhóm đối tượng này tập trung nguồn thu ngoại tệ và bán lại cho ngân hàng. Thứ ba, sự gia tăng của nguồn kiều hối và thị phần kiểu hối lớn cũng tạo điều kiện để chúng tôi tranh thủ mua lại nguồn này. Những yếu tố đó giúp chúng tôi áp giá bán ra thấp hơn”, đại diện trên nói.
Tuy nhiên, một số thông tin tiếp tục phản ánh, dù tỷ giá đã có bước tăng mạnh nhưng trên thực tế vẫn có trường hợp doanh nghiệp phải mua cao hơn giá niêm yết. Mặt khác, nguồn cung ngoại tệ là có hạn nên việc một số ngân hàng có giá bán ra thấp hơn đáng kể so với nhiều ngân hàng lớn nhỏ khác có thể sẽ khó kéo dài trong thời gian tới.

Theo Minh Đức
VnEconomy

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)