Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngân hàng đồng loạt tăng giá đô la Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 24-8, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng tăng thêm 10 đồng nữa, lên mức 20.628 đồng, sau 2 tuần được giữ ở mức 20.618 đồng. Do vậy, giá mua-bán đô la Mỹ của các ngân hàng lập tức tăng lên.

Các ngân hàng ngày 24-8 đã điều chỉnh tăng thêm 10 đồng ở cả giá bán và mua đô la Mỹ. Hầu hết các ngân hàng lớn như Vietcombank, Eximbank, ACB, Đông Á đều niêm yết giá mua đô la chuyển khoản là 20.830 đồng và giá bán là 20.834 đồng. Trong đó Vietcombank niêm yết cả giá bán đô la tiền mặt và chuyển khoản đều bằng nhau ở mức 20.824 đồng, các ngân hàng khác thường có giá mua đô la tiền mặt thấp hơn mua chuyển khoản 20 đồng.

Trên thị trường tự do tại TPHCM, giá mua-bán đô la Mỹ vào chiều 24-8 ở mức 20.930 – 20.980 đồng/đô la sau khi tăng lên mức 21.030 đồng vào sáng cùng ngày.

Giá đô la Mỹ đã tăng lên quanh mức 21.000 đồng/ đô la trong những ngày gần đây. Ảnh: Lê Toàn.

Giá đô la Mỹ tăng mạnh trong những ngày gần đây được cho rằng là do giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá thế giới và Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các công ty vàng nhập vàng không hạn chế để đảm bảo giá vàng trong nước và thế giới không chênh lệch quá nhiều. Trong những ngày đầu tuần và tuần trước, có lúc giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới hơn 1 triệu đồng/lượng.

Các doanh nghiệp nhập vàng cần phải gom đô la Mỹ, và nhu cầu thật sự cộng với yếu tố tâm lý đã khiến giá đô la Mỹ bị đẩy lên từ ngày 8-8.

Theo một chuyên gia trong ngành, nếu giá vàng tiếp tục tăng chắc chắn sẽ gây áp lực lên tỷ giá vì Việt Nam cần phải nhập vàng. Bên cạnh đó, kết hợp với nhu cầu đô la Mỹ của các doanh nghiệp tăng mạnh vào những tháng cuối năm để phục vụ cho thanh toán nước ngoài và đáo hạn các khoản vay ngoại tệ nên áp lực lên tỷ giá sẽ càng tăng.

Và nếu như tình hình thế giới không thuận lợi, tức giá vàng tiếp tục tăng, ảnh hưởng lên tỷ giá, thì việc giảm lãi suất tiền đồng sẽ khó thành hiện thực. Lý do là nếu lãi suất tiền đồng giảm tức chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ giảm, trong khi giá đô la Mỹ lẫn vàng đều tăng, sẽ khiến kênh đầu tư vàng và đô la Mỹ sẽ hấp dẫn hơn kênh gửi tiết kiệm tiền đồng. Như vậy, nếu lãi suất tiền đồng giảm sẽ không khuyến khích người dân gửi tiền, đồng thời làm tình trạng đô la hóa lẫn vàng hóa của Việt Nam không giảm.

Vì thế, nếu điều kiện về kinh tế thế giới không thuận lợi thì việc kéo giảm lãi suất từ cuối tháng 9 như tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ khó thực hiện được, vị này nói

(Theo TBKTSG Online)

Bình luận (0)