Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngân hàng giảm lãi suất để giải vốn

Tạp Chí Giáo Dục

Không cần sự thúc ép từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay đang từ từ giảm dần. Nguyên nhân là do vốn huy động được đang “ứ” vì lãi suất quá cao.

Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đang từ từ giảm dần.
Những lời cảnh báo của các chuyên gia lúc ngân hàng “đi đêm” lãi suất với khách hàng đến thời điểm này đã chính xác, khi dòng vốn giá cao trong nhiều ngân hàng không thể khơi thông. Lãi suất 24%, 25% một năm không chỉ làm các doanh nghiệp chết, mà ngay cả hệ thống ngân hàng cũng điêu đứng.
Đua nhau giảm
Đầu tháng 7, những tín hiệu khơi thông dòng vốn bắt đầu tiên được phát bởi các ngân hàng lớn như Sacombank, Eximbank… bằng các chương trình ưu đãi lãi suất cho một nhóm đối tượng riêng biệt, như cho vay tài trợ xuất khẩu. Nhưng mạnh nhất là từ đầu tháng 8 đến nay, nhiều ngân hàng đã mở rộng đối tượng cho vay với lãi suất dễ thở hơn. Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, từ nay đến hết 31/12, sẽ “tiếp vốn kinh doanh” với lãi suất giảm 1,2% một năm cho đối tượng là cá nhân, hộ kinh doanh. Điều đáng nói là chương trình này không “giới hạn số lần giải ngân” và với số tiền vay từ 500 triệu đồng trở lên (khách hàng ở TP HCM và Hà Nội), 300 triệu đồng ở các tỉnh thành khác thì được hưởng mức ưu đãi giảm lãi suất từ 1,2%. Mức vốn cho vay này được cho là khá “khủng”. Trước đó, hàng loạt ngân hàng khác như HDBank, Vietinbank cũng mở ưu đãi giảm lãi suất từ 1% – 2% một năm. Như vậy, lãi suất cho doanh nghiệp vay ở ACB hiện đã giảm xuống khoảng 20% – 21%, còn lãi suất ưu đãi cá nhân như trên còn khoảng 21,5%.
Tình hình diễn ra tương tự ở ngân hàng BIDV, Vietcombank. Từ đầu tháng 8 đến nay, Vietcombank chi nhánh TP HCM đã có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức trượt khoảng 2% một năm. Từ ngày 11-8, cho vay doanh nghiệp của một số chi nhánh tại TP HCM của Vietcombank chỉ còn 20%, cho vay tiêu dùng cũng đã giảm xuống khoảng 2%, chỉ còn 21% một năm.
Có khả năng sẽ giảm nữa
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB, cho biết, nhiều khả năng ACB sẽ mở rộng đối tượng ưu tiên lãi suất nếu chương trình nói trên có tín hiệu tích cực. Theo ông Toại, mặt bằng lãi suất hiện nay quá cao và sẽ có xu hướng giảm dần vì đã quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. “Lãi cao như thế này, có muốn tăng tín dụng cũng khó, vì doanh nghiệp cũng không vay”, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cũng thừa nhận.
Một nhân viên tư vấn tín dụng của Vietcombank nhận xét: “Từ nay đến cuối tháng 8, khả năng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm 0,5% – 1% một năm nữa, vì nhiều ngân hàng còn dư tín dụng quá mức”. Theo số liệu từ Ngân hàng nhà nước, tăng trưởng tín dụng VND trong tháng 7 âm ở mức giảm 0,88% so tháng 6, trong khi huy động VND vẫn tăng lên 0,51%. Theo tổng giám đốc một ngân hàng thương mại, con số này đã khiến nhiều ngân hàng phải “nhanh chân” chạy trước giảm lãi suất để đẩy tăng trưởng tín dụng của cả năm. “Thời điểm này, doanh nghiệp nào cũng cân nhắc khi vay, nên ngân hàng nào giảm sớm thì hút được khách sớm”, vị này phân tích.
Những tín hiệu từ thị trường tiền tệ cũng khiến lãi suất có xu hướng giảm tiếp trong thời gian tới. Lãi suất liên ngân hàng VND kỳ hạn qua đêm tuần qua đã giảm còn khoảng 10%, giảm 2% so với tuần trước, trong khi các kỳ hạn 1, 2 tuần cũng giảm nhẹ, hiện ở mức 11% – 14%. Như vậy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang tốt (và khả năng tiền đồng đang dư), thị trường cũng dần ổn định trong 2 tuần từ cuối tháng 7 đến nay. Nhiều chuyên gia dự báo, khả năng lãi suất cho vay VND còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Theo Phương Nhi
Đất Việt

 

Bình luận (0)