Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngân hàng hưởng lợi nhiều nhất từ ATM?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhờ ATM, ngân hàng tiết kiệm được chi phí tiền lương nhân viên, mặt bằng, điện nước, lại còn thu được phí trả lương của doanh nghiệp…

Nhân bài viết về việc các ngân hàng đòi tăng và thu phí ATM, là người đang theo học tại Mỹ, tôi xin có vài so sánh việc thu phí ATM của các ngân hàng Mỹ với tình hình hoạt động của các ngân hàng Việt Nam.

ATM không phải là kênh kinh doanh

Ở Mỹ, rút tiền từ máy ATM chỉ bị thu phí trong các trường hợp sau:
– Rút tiền từ tài khoản ghi nợ (Debit Card) liên ngân hàng.
– Rút tiền từ thẻ tín dụng (Credit Card): Cash advance.
Còn lại tất cả trường hợp rút tiền từ tài khoản ghi nợ tại ATM của cùng một ngân hàng đều không bị tính phí.
Các ngân hàng sẽ giảm tải và có lợi hơn khi có nhiều hệ thống ATM hoạt động. 
ATM ở Mỹ được coi là công cụ của các ngân hàng, giúp ngân hàng giảm chi phí hoạt động (mở phòng giao dịch, trả lương nhân viên…) và đem lại tiện ích cho khách hàng. Không ngân hàng nào coi ATM là một kênh kinh doanh vì ATM đem lại lợi ích cho ngân hàng nhiều hơn là cho khách hàng. Các giao dịch rút tiền liên ngân hàng cũng như rút tiền từ thẻ tín dụng diễn ra rất ít vì thanh toán chủ yếu bằng thẻ.
Trước hết, việc đưa ATM vào cuộc sống không chỉ đem lại tiện ích cho người dân mà cho cả ngân hàng. Hãy làm một phép tính đơn giản về lợi ích và chi phí của ngân hàng sẽ thấy hiện nay ngân hàng mới chính là người được hưởng lợi. 
Số lượng chủ thẻ hiện nay trên cả nước ước tính khoảng 15 triệu thẻ. Trung bình mỗi chủ thẻ để lại trong tài khoản 1 triệu đồng (đây là số khiêm tốn cho dù có người chỉ để lại 100.000 đồng). Như vậy tổng số tiền sẽ khoảng 15.000 tỉ đồng mỗi thời điểm (bằng tổng số tiền các ngân hàng bỏ ra đầu tư cho hệ thống ATM trong vài năm). Số tiền này khách hàng được hưởng lãi suất không kỳ hạn. Trong khi đó ngân hàng vẫn dùng để kinh doanh các món vay ngắn hạn như gửi qua đêm ở Ngân hàng Nhà nước, cho vay qua đêm các tổ chức tín dụng khác… Số lãi thu được từ đây không hề nhỏ.
Giảm tải cho phòng giao dịch
Giả sử không có hệ thống ATM thì nếu cần phục vụ 15 triệu chủ thẻ hiện nay rút tiền, ngân hàng sẽ phải mở thêm phòng giao dịch, tuyển thêm nhân viên để phục vụ khách hàng. Mỗi người đến giao dịch tại quầy sẽ mất ít nhất 5 phút bao gồm thời gian khai vào mẫu rút tiền, thời gian nhân viên kiểm tra tài khoản, thời gian đếm tiền của nhân viên và thời gian kiểm tra lại tiền của khách hàng. Như vậy nếu nhân lên, một ngày làm việc 8 giờ đồng hồ, mỗi nhân viên phục vụ tối đa khoảng 96 khách hàng. Con số này chỉ có thể đạt được nếu đảm bảo hiệu suất làm việc của nhân viên là cố định, hết công suất và xác suất các chủ thẻ rút tiền vào các thời điểm đều nhau, không tập trung vào cùng lúc. Do đó trong thực tế con số này sẽ không thể đạt được.
Như vậy để phục vụ 15 triệu chủ thẻ, nếu mỗi người chỉ rút mỗi tháng một lần thì các ngân hàng cần khoảng 150.000 nhân viên. Mỗi nhân viên hưởng lương khoảng 5 triệu đồng/tháng thì tổng số tiền lương phải trả cho số nhân viên sẽ phục vụ 15 triệu chủ thẻ trên là 750 tỉ đồng/tháng.
Thêm vào đó, để có chỗ làm việc cho 150.000 nhân viên nêu trên thì ngân hàng phải thuê được ít nhất 300.000 m2 mặt bằng cộng với chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, máy tính, công cụ lao động cho nhân viên, bảo vệ phòng giao dịch, chi phí vận chuyển tiền đến phòng giao dịch đầu ngày và thu về cuối ngày. Chắc chắn những chi phí này nhiều hơn so với chi phí nạp tiền vào máy ATM. Ước tính chi phí cho hệ thống phòng giao dịch mỗi tháng vào khoảng 500 tỉ đồng, mỗi năm khoảng 6.000 tỉ đồng. Con số này hơn số tiền đã bỏ ra để đầu tư hệ thống ATM trong vài năm qua.
Đã thu phí trả lương của doanh nghiệp
Ngoài ra nhờ có hệ thống ATM mà ngân hàng có thêm dịch vụ đổ lương qua tài khoản. Mỗi giao dịch trả lương qua tài khoản, các ngân hàng đã thu phí của doanh nghiệp với mức phí không nhỏ chút nào. Ngoài ra để sẵn sàng trả lương cho cán bộ, các doanh nghiệp phải ký quỹ một khoản tiền tại ngân hàng để sẵn sàng trả lương. Số tiền này cũng được xét là tiền gửi không kỳ hạn nên lãi suất thấp và ngân hàng cũng có thể dùng số tiền này để kinh doanh.
Gửi tiền cho ngân hàng kinh doanh còn bị thu phí!
Về phía khách hàng, lợi ích là được sử dụng một hệ thống rút tiền điện tử bất cứ nơi đâu miễn là nơi đó có đặt máy ATM. Tuy nhiên, phiền toái mà ATM đem lại cũng không hề nhỏ: từ chối phục vụ, trừ tiền mà không trả, xếp hàng chờ đợi lâu vì có những thời điểm tập trung rất nhiều người rút. Có lần tôi chờ khoảng 6-7 người rút xong đến lượt tôi thì máy báo tạm ngừng phục vụ!
Thật vô lý khi gửi tiền của mình vào ngân hàng đến khi rút ra lại phải nộp phí. Thật vô lý khi các ngân hàng coi ATM là một hình thức kinh doanh. Việc ngân hàng thu phí giao dịch ATM khi khách hàng rút tiền từ tài khoản của mình là tận thu.
Nguồn PHÁP LUẬT TP.HCM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)