Mấy ngày nay, giới nhân viên ngân hàng xôn xao về thông tin Tổng Giám đốc VPBank gửi email thông báo tăng lương sớm cho cán bộ, nhân viên do ngân hàng này đạt mức lợi nhuận rất cao trong sáu tháng đầu năm 2021. Nhiều ngân hàng khác cũng đạt mức lợi nhuận rất “khủng” dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Nửa năm, lãi hàng ngàn tỷ đồng
Trong thư thông báo tăng lương, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng Giám đốc Ngân hàng (NH) Thương mại cổ phần (TMCP) Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) – cho biết, dù đại dịch COVID-19 đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội nhưng trong năm 2020 và các tháng đầu năm 2021, tập thể cán bộ, nhân viên VPBank đã nỗ lực, đồng lòng để đạt nhiều kết quả kinh doanh khả quan. Ban lãnh đạo NH này quyết định tăng lương ngay từ kỳ lương tháng Bảy, sớm hơn hai tháng so với kế hoạch.
Theo báo cáo tài chính quý I/2021 của VPBank, thu nhập bình quân mỗi nhân viên của NH này là 27,62 triệu đồng/tháng, chỉ xếp sau một số ít NH lớn. Dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý II/2021 nhưng động thái này cũng cho thấy lợi nhuận trong sáu tháng đầu năm của NH này rất tốt. Riêng trong quý I, lợi nhuận của VPBank đứng thứ năm toàn ngành với hơn 4.000 tỷ đồng.
Vietinbank ước đạt lợi nhuận trong sáu tháng đầu năm nay là 13.000 tỷ đồng, tăng gần 75% so với cùng kỳ năm ngoái (trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Phòng giao dịch Sơn Hòa tại Phú Yên của Vietinbank) |
Mới đây, chia sẻ tại hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh sáu tháng đầu năm, ông Lê Đức Thọ – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị NH TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) – thông tin, lợi nhuận trong sáu tháng đầu năm nay của Vietinbank ước đạt 13.000 tỷ đồng, tăng gần 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này chưa bao gồm khoản thu phí trả trước về việc hợp tác bán hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với Manulife, được ký hồi tháng 12/2020 (khoảng 350 triệu USD).
Theo cập nhật của NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đến tháng 5/2021, lợi nhuận của NH này ước tính hơn 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận trong sáu tháng có thể vượt 2.000 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Sau năm tháng đầu năm, lợi nhuận của NH TMCP Hàng Hải (MSB) cũng đạt hơn 2.200 tỷ đồng, gấp hơn bốn lần so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 68% kế hoạch năm 2021. Nhiều NH khác cũng được dự đoán đạt mức lợi nhuận rất “khủng” trong sáu tháng đầu năm 2021. Ước tính, lợi nhuận sau thuế của toàn ngành NH năm 2021 tăng 24%.
Lợi nhuận lớn nhờ hưởng chênh lệch lãi suất
Theo thống kê của FiinGroup – đơn vị cung cấp thông tin dịch vụ tài chính và doanh nghiệp – lợi nhuận sau thuế quý I/2021 của các NH tăng 86,7% so với cùng kỳ năm 2020. Ba động lực tăng trưởng chính của NH là từ biên lãi ròng – tức chênh lệch giữa lãi suất (LS) cho vay với LS tiền gửi trả cho khách – được cải thiện; từ dịch vụ tăng; từ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm.
Đơn cử như tại Vietinbank, hoạt động tín dụng quý I/2021 không tăng nhưng lợi nhuận vẫn tăng tới 171% nhờ chi phí trả lãi tiền gửi giảm đến 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận từ mảng dịch vụ tăng 21%, chi phí dự phòng giảm 69%.
Thời gian qua, LS huy động giảm nhưng LS cho vay không giảm tương ứng đã giúp biên lãi ròng của các NH nới rộng hơn trước. Theo FiinGroup, đây là yếu tố then chốt giúp các NH đạt mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong quý I/2021.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, biên lãi ròng của các NH xoay quanh 3% là một mức hợp lý, nhưng đến đầu năm 2020, mức này được nới lên 3,9% và đến quý I/2021 thì tăng lên 4,1%, thậm chí còn cao hơn ở một số NH. Nếu dịch bệnh kéo dài và LS vẫn duy trì như hiện nay, tỷ lệ “tiền rẻ” (tiền không kỳ hạn trong tài khoản của khách hàng) tăng mạnh, biên lãi ròng của các NH sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Theo số liệu từ NH Nhà nước Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm 2021, hầu hết NH lớn đều có chương trình miễn phí dịch vụ chuyển tiền. Cụ thể, có tới 81% số lệnh chuyển tiền được miễn phí. Đây không chỉ thuần túy là sự chia sẻ với khách hàng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 mà còn là “tuyệt chiêu” giúp các NH thu hút khách, tăng số dư tiền gửi không kỳ hạn trong tài khoản.
Cũng theo NH Nhà nước Việt Nam, tổng số tiền thanh toán được các NH giảm, miễn phí từ năm 2020 tới nay là hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng số tiền gửi không kỳ hạn cũng tăng lên kỷ lục. NH có tỷ lệ “tiền rẻ” lớn nhất hệ thống là NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), lên tới 46% nhờ chiến thuật miễn phí tất cả các giao dịch trực tuyến. Nếu duy trì tốc độ như hiện nay, “tiền rẻ” ở Techcombank có thể sẽ chạm 50% vào cuối năm nay.
Tỷ lệ này tại NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng lên tới 32%. Tăng trưởng tín dụng của Vietcombank trong sáu tháng đầu năm nay cũng cao nhất nhóm NH TMCP với 9%. Lợi nhuận của Vietcombank năm nay dự kiến sẽ vượt 1 tỷ USD, là mức được NH này duy trì suốt hai năm qua.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn do tác động của dịch bệnh như hiện nay, nhiều doanh nghiệp, khách hàng cá nhân mong muốn các NH đạt lợi nhuận “khủng” nên giảm LS cho vay. Về vấn đề này, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NH Nhà nước Việt Nam – cho hay, cơ quan này đã chỉ đạo các NH tiết giảm chi phí, điều hành LS, có chính sách tín dụng hợp lý. Để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, đến ngày 31/5, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ LS cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; cho vay mới với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 6/2021 đạt 3.508.415 tỷ đồng cho 480.839 khách hàng với LS thấp hơn thời điểm trước dịch.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính – đây là chính sách chia sẻ khi lợi nhuận của NH cao và cũng để giữ chân khách hàng, nhưng chính sách này chỉ dành cho những khách hàng có rủi ro thấp, còn những khách hàng có rủi ro cao vẫn rất khó tiếp cận: “Giảm LS là chính sách ưu đãi dành cho khách hàng tốt chứ không phải để hỗ trợ doanh nghiệp yếu kém”.
Theo Cao Phú Hào/PNO
Bình luận (0)