Ngân hàng đang giảm phí, lãi vay, cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 song lại không được hỗ trợ giảm cước tin nhắn.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị về việc giảm mức giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng. Theo tổ chức này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông giảm giá cước để hỗ trợ khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông nhằm chia sẻ khó khăn bởi đại dịch COVID-19.
Các doanh nghiệp viễn thông đã có các chính sách giảm cước phí viễn thông cho khách hàng. Tuy nhiên, dù cũng là khách hàng của các doanh nghiệp viễn thông nhưng các tổ chức tín dụng vẫn không được xem xét giảm phí sử dụng. Trong khi các ngân hàng tích cực chia sẻ khó khăn với khách hàng như giảm các loại phí, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ….
Hàng năm, các ngân hàng tốn hàng trăm tỷ đồng trả phí tin nhắn SMS cho các nhà mạng. Ảnh minh hoạ
"Tính từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã có 3 văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chia sẻ với các tổ chức tín dụng thông qua việc giảm phí cước viễn thông, song đến nay các tổ chức tín dụng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp viễn thông về giá cước tin nhắn…", ông Nguyễn Quốc Hùng -Tổng thư ký VNBA – cho hay.
Đặc biệt, kể từ khi bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, số lượng giao dịch qua các kênh điện tử tại các tổ chức tín dụng liên tục tăng cao và lượng tin nhắn tổ chức tín dụng gửi cho khách hàng qua dịch vụ SMS cũng tăng tương ứng. Trong khi đó, giá cước phí tin nhắn dịch vụ mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng hiện nay cho các tổ chức tín dụng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường.
Cụ thể, đối với khách hàng doanh nghiệp (bao gồm các tổ chức tín dụng): MobiFone và VinaPhone thu 820 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/1 tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng; Viettel thu 500 đồng/1 tin nhắn (không phân biệt loại tin nhắn), và từ năm 2019, Viettel đã nâng mức giá cước lên 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính; Vietnammobile, Beeline thu 280-400 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/1 tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng, truyền thông không yêu cầu bảo mật, gửi tức thì. Đối với khách hàng cá nhân: Viettel thu 100-300 đồng/SMS, Vinaphone thu 99-350 đồng/SMS, Mobifone thu 200-350 đồng/SMS.
Hiện nay, một tổ chức tín dụng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 15-20 triệu tin nhắn/tháng, một tổ chức tín dụng quy mô lớn phát sinh khoảng 50-80 triệu tin nhắn/tháng. Với mức giá cước phí tin nhắn như nêu trên, các tổ chức tín dụng phải trả cho các nhà mạng lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng. Như Vietinbank, mỗi năm chi trả phí SMS cho nhà mạng khoảng 200 tỷ đồng; BIDV là 400 tỷ đồng, Vietcombank là 400 tỷ đồng, Agribank là 300 tỷ đồng…
Các doanh nghiệp viễn thông cho rằng giá phí tin nhắn áp dụng cho hệ thống ngân hàng cao hơn so với giữa các cá nhân nhắn tin với nhau là do nhà mạng phải đảm bảo bảo mật và an toàn hơn cho các tin nhắn này. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, kẻ gian đã dựa vào lỗ hổng bảo mật của một số các nhà mạng gửi tin nhắn brandname tới khách hàng của nhiều ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Sự việc rủi ro này qua rất nhiều tháng đến nay nhưng các nhà mạng vẫn không thông báo rõ ràng về nguyên nhân sự việc cũng như chưa phối hợp với các tổ chức tín dụng và cơ quan chức năng để xử lý sự việc đến cùng, gây hoang mang cho rất nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ.
“Đề nghị các doanh nghiệp viễn thông thực hiện điều chỉnh giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp tục duy trì việc miễn, giảm phí cho khách hàng. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn không để cho các đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn thương hiệu của các tổ chức tín dụng qua các nhà mạng”, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký VNBA – nói.
Theo Thanh Hoa/PNO
Bình luận (0)