Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngân hàng lo hạ trần lãi suất

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi nhiều ngân hàng vẫn khó khăn thanh khoản, do khó huy động vốn, lại rộ lên thông tin có thể Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục hạ trần lãi suất đầu vào xuống dưới 14%, khiến các ngân hàng thêm lo lắng.

Ngân hàng lo hạ trần lãi suất dân sẽ rút tiền. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Theo một nguồn tin của phóng viên, để chuẩn bị cho điều hành chính sách tiền tệ năm 2012 theo xu hướng lãi suất giảm phục vụ cho sản xuất kinh doanh và ổn định nền kinh tế, NHNN đang bàn tính về khả năng đưa trần lãi suất huy động xuống mức 12%/năm trong thời gian tới.
Một lãnh đạo ngân hàng là thành viên trong nhóm G12 và một đại diện Hiệp hội Ngân hàng đã từ chối bình luận thông tin này. Còn ông Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Liên Việt lại cho rằng khả năng này hoàn toàn có thể. “Thống đốc NHNN đã đưa ra thông điệp, khi lạm phát trong tháng 11 thấp hơn 1% thì có cơ sở để xem xét hạ trần lãi suất huy động, như là một giải pháp để tiếp tục giảm lãi suất cho vay”- ông Hưởng nói.
Lo thanh khoản dịp Tết
Theo NHNN, số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tháng 10-2011 giảm 0,74% so với tháng 9, còn tháng 9 giảm 1,07% so với tháng 8. Trong đó số dư tiền gửi bằng VND giảm mạnh hơn cả. Tính đến nay, vốn huy động chỉ tăng 8,59% so với cuối năm ngoái, đây là mức tăng yếu nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
“Đây không phải thời điểm thích hợp để NHNN hạ lãi suất. Hiện nhiều người dân đã rút tiền vì e ngại tái cơ cấu ngân hàng. Nếu ép lãi suất xuống không hợp lý sẽ thêm một cái cớ để người ta rút tiền – dẫn đến hiện tượng “banking run” (chạy khỏi ngân hàng). Nếu lượng tiền ra ngoài nhiều hơn lượng tiền gửi vào ngân hàng, sẽ không có lợi cho NHNN trong điều hành” – TS Kinh tế Vũ Đình Ánh.
Trưởng một phòng giao dịch của BIDV tại Hà Nội, cho hay 3 tháng qua tại phòng này, tiền gửi dân cư chỉ ở mức 50 tỷ đồng. “Khá nhiều khách rút ra để mua vàng, gửi gần nhà tiện hơn. Còn 1 tháng nữa nhưng so với 220 tỷ kế hoạch trên giao huy động, chúng tôi mới đạt 80% chỉ tiêu. Chắc hết năm không thể hoàn thành”- Ông kể.
Trao đổi với PV, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại địa bàn Hà Nội cho hay đúng là khoảng 2 tuần nay luồng vốn tiết kiệm từ dân cư có xu hướng giảm. Cũng có ngày mức rút ra của dân trên hệ thống vào khoảng 30 tỷ đồng, cũng có hôm lên tới 50 tỷ đồng. Lượng tiền vào ít hơn ra.
Tháng 11 bắt đầu mùa cao điểm của các phương tiện thanh toán nên sức ép rút tiền với các ngân hàng là rất lớn. Lãnh đạo một số ngân hàng thừa nhận trong tháng còn lại của năm, vốn huy động có thể giảm khi người dân chuộng nắm giữ vàng hơn tiền đồng.
Mặt khác, doanh nghiệp sẽ rút tiền tại ngân hàng nhiều hơn do nhu cầu chi trả lương, thưởng cuối năm và dự trữ hàng hóa cho dịp Tết cũng như nguyên vật liệu cho quý 1 năm sau. Nên tạo sự căng thẳng cho thanh khoản của các ngân hàng.
Theo NHNN, từ 14 đến 18-11, Ngân hàng nhà nước đã bơm ròng 3.626 tỷ đồng qua thị trường mở, tương ứng với 30.972 tỷ đồng đưa ra và 27.346 tỷ đồng rút về trong tuần. Đây cũng là tuần thứ 3 liên tiếp trong tháng 11, NHNN bơm tiền ròng vào hệ thống, điều đó chứng tỏ nhu cầu thanh toán vẫn khá căng.
Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, hiện nay với trần lãi suất huy động 14%/năm mà dân còn không mặn mà lắm, thì việc đưa trần lãi suất huy động về 12%/năm sẽ khiến ngân hàng khó khăn hơn trong huy động. Khi đó, tiền có thể chảy sang các kênh khác như vàng hay bất động sản.
Khánh Huyền
Theo Tiền Phong

 

Bình luận (0)