Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngân hàng lớn nâng giá mua USD kịch trần

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 20/10, thị trường ghi nhận hoạt động nâng giá USD của nhiều ngân hàng thương mại. Tại một số thành viên lớn, giá mua vào đã chính thức kịch trần và san bằng giá bán ra.

Theo tỷ giá công bố, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) hôm nay đã nâng giá USD mua vào lên mức 19.500 VND, ngang bằng giá bán ra và cùng kịch trần biên độ +/-3% theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố cùng ngày (giữ nguyên mức 18.932 VND kể từ lần tăng ngày 18/8 vừa qua).

Đầu giờ sáng nay, một ngân hàng có hoạt động kinh doanh ngoại tệ và thanh toán xuất nhập khẩu mạnh là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng chính thức yết giá USD mua vào kịch trần 19.500 VND sau khi tăng nhẹ lên 19.495 VND trước đó.
Đến thời điểm này, đây là hai ngân hàng lớn chính thức nâng giá USD mua vào kịch trần và san bằng giá bán, sau khi giữ khoảng cách từ 10 – 20 VND kể từ ngày 18/8 – ngày Ngân hàng Nhà nước tăng thêm 2,09% tỷ giá bình quân liên ngân hàng.
Trước đó, từ đầu tháng 10 này, một số ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng đã duy trì trạng thái trên, hoặc ở một số thời điểm, như tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)…
Diễn biến trên đi cùng với đà tăng mạnh của tỷ giá USD/VND trong những ngày gần đây trên thị trường tự do. Trong ngày 20/10, có thời điểm mốc 20.050 VND đã được xác lập.
Việc một số ngân hàng lớn tăng mạnh giá mua vào USD có thể phản ánh cầu ngoại tệ thực tế đang mạnh lên. Điều này cũng có thể phản ánh một phần nhất định về trạng thái ngoại tệ của mỗi thành viên.
Ngược lại, một số trường hợp trong những ngày qua và hôm nay lại yết giá mua vào khá thấp. Như tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mức giá mua vào chỉ từ 19.460 – 19.470 VND; tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank) chỉ ở mức 19.480 VND; đặc biệt tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TiênPhongBank) cuối chiều nay chỉ là 19.450 VND…
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có giá USD mua vào “mềm” hơn cho biết, thực tế nguồn ngoại tệ thương mại của ngân hàng hiện nay chủ động nên không quyết mua ở giá cao nhất. Mặt khác, theo ông, những thành viên có dịch vụ kiều hối mạnh thời gian qua có lợi thế nhất định khi tranh thủ mua lại nguồn ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng này từ chối bình luận diễn biến tình hình thị trường ngoại hối hiện này, và tránh đề cập cụ thể đến mức giá mua vào thấp bởi “không tiện” với các nguồn bán lại ngoại tệ…
Về diễn biến chung của thị trường hiện nay, theo một số phân tích công bố gần đây, tâm lý và kỳ vọng tỷ giá tăng đang là một yếu tố chi phối lớn. Trong các báo cáo phân tích thời gian gần đây, hai công ty chứng khoán lớn cũng liên tục nhấn mạnh đến áp lực tăng tỷ giá USD/VND thời gian tới, và cụ thể ở cả dự báo mức tăng 2% từ nay đến cuối năm. Thế nhưng, những phân tích nguyên nhân để có dự báo đó lại không được đưa ra thấu đáo.
Còn tại Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2010 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2011 của Chính phủ trước Quốc hội tại phiên khai mạc sáng nay, một nguyên nhân chủ yếu đẩy tỷ giá tăng thời gian qua được giải thích là từ sự thâm hụt của cán cân tổng thể.
Cụ thể, báo cáo cho biết, ước năm 2010, cán cân thương mại tính theo giá FOB của Việt Nam thâm hụt 8,2 tỷ USD, dịch vụ thâm hụt 0,55 tỷ USD và thu nhập đầu tư thâm hụt 4,2 tỷ USD, chuyển tiền thặng dư 7,5 tỷ USD. Cán cân vãng lai thâm hụt 5,48 tỷ USD, cán cân vốn và tài chính thặng dư 11,54 tỷ USD. Cán cân tổng thể thâm hụt khoảng 4 tỷ USD.
Nguồn VNECONOMY


Bình luận (0)