Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngân hàng: Ngồi mát ăn bát vàng?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một lần nữa nhận định “ngân hàng (NH) không bao giờ lỗ dù tình hình kinh tế có khó khăn thế nào” đã được lặp lại trong 6 tháng đầu năm.

Sáu tháng “đại thắng”
Cho đến nay, những NH đã báo cáo kết quả kinh doanh đều thể hiện được các điểm chung là: vẫn đang bám sát chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm và có tốc độ tăng trưởng tốt.

Eximbank lọt vào nhóm 25 NH tăng tài sản nhanh nhất thế giới theo bình chọn của Tạp chí The Banker – Ảnh: Quý Hòa

Điểm dễ nhận thấy là NH lớn có cổ phiếu niêm yết trên sàn vẫn duy trì được mức tăng trưởng “đáng kinh ngạc” so với cùng kỳ. Chẳng hạn như: ACB (chưa công bố chính thức nhưng có nhiều thông tin nói rằng kết quả kinh doanh 6 tháng của NH này ở mức 1.400 tỷ đồng).

Eximbank (lợi nhuận trước thuế chưa hợp nhất, chưa kiểm toán 6 tháng đầu năm 2011 đạt 1.690 tỷ đồng, tăng trưởng 85% so với cùng kỳ năm ngoái), VietcomBank (đạt 1.254,7 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt tới 3.029,6 tỷ đồng, gần 54% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2011).

Sacombank (lợi nhuận trước thuế trong quý II/2011 là 904,49 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm 1.490,5 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2010)…
Các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần có vốn nhỏ và vừa cũng vượt vũ môn khá hoàn hảo. Chẳng hạn, Techcombank vừa công bố 6 tháng đầu năm tổng lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.
Tuy chỉ đạt 40% kế hoạch, nhưng Techcombank vẫn nằm trong top những NH làm ăn có lãi. Đến hết tháng 6, lợi nhuận trước thuế của DongA Bank (gồm cả các công ty trực thuộc) là 676 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm. ABBank là 307,6 tỷ đồng, đạt 46,3% kế hoạch.
Báo cáo của các NHTM cho thấy, lợi nhuận đạt được chủ yếu vẫn đến từ hoạt động truyền thống là cho vay. Kế đến là lợi nhuận từ các hoạt động khác (bao gồm cả kinh doanh ngoại tệ, kinh doanh vàng).
Trong khi đó, dù không thể hiện rõ, nhưng nhiều NHTM lớn đã thu được mức lợi nhuận khổng lồ từ việc đầu tư trái phiếu Chính phủ và cho vay lại trên thị trường liên NH.
Ví dụ, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm tiền qua thị trường mở và lãi suất tái cấp vốn chỉ 7%/năm thì một số NHTM lớn thế chấp trái phiếu Chính phủ để vay vốn rồi cho NH nhỏ vay lại với lãi suất 10 – 20%/năm.
Với kết quả đó, không ít người nói rằng, những khó khăn vĩ mô và chính sách dường như chỉ tác động lên các doanh nghiệp (DN) đi vay vốn để kinh doanh sản xuất, chứ không tác động đến các NH cho vay.
Thậm chí, nhiều người còn nói, tăng trưởng cả nước bị chậm lại đáng kể so với năm ngoái thể hiện rõ gánh nặng mà các DN sản xuất đang phải chịu vì lãi suất vay…
Tất nhiên, những thông tin đó vô tình khiến lợi nhuận của NH trở nên không đẹp trong con mắt của nhiều người. Quy định trần lãi suất huy động giúp NHTM có điều kiện mua rẻ, bán đắt.
Ví dụ, hiện nay, quy định trần lãi suất huy động ở mức 14%/năm nhưng đầu ra lại thả nổi. Chỉ một số ít khách hàng khi gửi số tiền lớn mới có thể thỏa thuận được với NHTM mức lãi suất cao hơn. Trong khi đó, với việc khan hiếm nguồn vốn, các NHTM cho DN vay với mức lãi suất cao hơn nhiều, lên đến 19 – 20%/năm.
Trần ai kiếm được đồng lời
Phản biện lại quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank, nói rằng, cạnh tranh giữa các NH rất lớn nên nếu không có thế mạnh riêng cũng như chiến lược kinh doanh rõ ràng thì khó có thể duy trì và tồn tại, chứ nói gì đến chuyện lợi nhuận.
Cơ cấu lợi nhuận của Techcombank chủ yếu từ các loại lãi. Tuy nhiên, lãi hiện nay đang chịu rất nhiều rủi ro, lãi tín dụng không thể tăng hơn dù lãi đầu vào ở mức cao, lãi trên thị trường tiền tệ cũng bị NHNN kéo giảm xuống chỉ còn có 12 – 13%.
Từ đó, Techcombank đã phải lập nhiều kế hoạch kinh doanh mới với những chiến lược bán lẻ sản phẩm. Ngoài ra, rủi ro lớn nhất là rủi ro về thanh khoản, hiện nay, phần vốn của NH huy động là vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn, nhưng NH đã tránh được việc này một cách triệt để.
“Việc các DN không tiếp cận được vốn NH, theo tôi, không phải chỉ vì yếu tố lãi suất cao, mà hiện nay cơ cấu vốn của DN mất cân đối, ngoài ra, cơ cấu đầu tư của DN cũng đang đẫn đến nợ xấu tăng. Dưới góc độ của người làm NH, tôi khẳng định, cơ cấu vốn của DN đang rất mong manh.
Tỷ trọng vốn chủ sở hữu trong DN rất nhỏ, có DN có tỷ trọng dưới 10%, trung bình chỉ vượt quá 15 – 30%, đó là chưa kể vốn thực đó chưa chắc là thực.
Hơn nữa, 60% DN dùng vốn ngắn hạn để đầu tư trung và dài hạn. Đại bộ phận DN đều có hình thái đầu tư đa dạng ngoài ngành nghề chính, trong đó hơn 90% là dính dáng đến nhà đất”, ông Vinh nói thêm.
Thực tế, ở một khía cạnh nhất định nào đó, cả những DN có chiến lược tập trung vẫn dành một phần nhỏ để đầu tư vào lĩnh vực ngoài ngành nghề.
Như vậy, một khi lãi suất tăng cao (khoảng 30%/năm) thì DN phải chịu áp lực rất nặng. Cụ thể, chỉ có 60% vốn để sản xuất, 40% vốn “bất động”, vậy khi vay vốn với lãi suất 30%/năm thì 60% phần sản xuất phải chịu vốn vay cho cả 40% phần không sản xuất. Tất cả chứng minh rằng, không phải NH đang “thắt cổ” DN, mà chính DN đang tự “bức tử” mình.
Thừa nhận sự khó khăn của NH trong việc tìm kiếm lợi nhuận, lãnh đạo ABBank cũng nói rằng, muốn đạt được kế hoạch đề ra cho cả năm 2011 đòi hỏi các NH phải có chiến lược phù hợp, công tác dự báo và điều hành sát thực tiễn.
Theo đó, không có chuyện NH lời vì thu được lãi suất cao từ DN. Bởi lẽ, từ đầu năm đến nay, việc cho vay của phần lớn các NH khá chậm, một phần vì DN không vay, một phần vì những quy định về hạn mức tín dụng của NHNN.
Theo chỉ thị của NHNN, năm nay các NHTM phải khống chế mức tăng trưởng tín dụng ở mức dưới 20%. Dự kiến tín dụng cả năm của cả hệ thống sẽ tăng khoảng 460.000 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng không cao đồng nghĩa với việc các NHTM phải siết chặt việc cho vay vốn, nhưng cho vay số lượng ít với giá cao. Do đó lợi nhuận của các NHTM sẽ ít bị ảnh hưởng. 

QUỲNH CHI/ DNSG

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)