Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngân hàng nhỏ khốn khổ vì huy động vốn

Tạp Chí Giáo Dục

Căng thẳng trong huy động vốn khi lãi suất huy động cào bằng, lãi liên ngân hàng cao, tỷ lệ trúng thầu OMO thấp, các nhà băng nhỏ đang khốn khổ trong việc tìm nguồn vốn.

Khi lãi suất huy động cào bằng về 2 mức 6% và 14% một năm, trong hệ thống ngân hàng, dòng vốn vẫn âm thầm dịch chuyển từ chỗ nhỏ sang chỗ lớn. Không công bố con số chính thức, song lãnh đạo một ngân hàng có vốn điều lệ khoảng 5.000 tỷ đồng cho biết, thực hiện nghiêm trần lãi suất, chỉ trong vài tuần đầu tiên, lượng tiền bị sụt giảm của nhà băng này đã khoảng 20%. Số lượng khách gửi mới gần như không có.
Để thu hút người gửi mới, nhiều nhà băng áp dụng khuyến mại đối với tiền gửi chỉ từ hơn chục triệu đồng. Nhưng ngay sau đó, chính các ngân hàng lại gặp khó khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu nhà băng thực hiện khuyến mại phải báo cáo chi tiết chương trình đồng thời siết việc chi hoa hồng cho người môi giới khách gửi.
Ngân hàng nhỏ ngày càng khó sống vì nhiều nguyên nhân.
Người phát ngôn một ngân hàng quy mô nhỏ tại TP HCM cho biết, để có những khách hàng mới là cả một thử thách vì bị mang tiếng “nhỏ là yếu, nhỏ là thiếu an toàn” dù thanh khoản của đơn vị này vẫn tương đối tốt. Khi niềm tin của người gửi tiền- yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động tài chính ngân hàng bị lung lay, thì việc tìm khách mới, níu chân khách cũ không hề đơn giản, ông nói.
Ông này nhận định, việc tiếp cận thị trường mở đã linh hoạt hơn trước khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện bơm hút hài hòa. Song điều đó vẫn chưa đủ để các nhà băng nhỏ có thể ổn định hệ thống. Đề án tái cơ cấu, với xu hướng hợp nhất, sáp nhập hệ thống khiến cho các ngân hàng “nhỏ mà không yếu” canh cánh mối lo vì tâm lý người dân sợ đổ vỡ nên có xu hướng cẩn trọng khi gửi tiền những nơi quy mô không lớn.
Trên thị trường liên ngân hàng, các nhà băng cũng khó tiếp cận vốn vì lãi suất cao (có lúc 30 – 40% một năm), và điều kiện cho vay khắt khe.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội đề xuất, nên để ngân hàng nhỏ áp dụng lãi suất theo bậc thang, thay vì chỉ 2 mức như hiện nay thì mới thu hút được vốn gửi từ người dân. Theo đó, cần có quy định các mức trần nữa cho các kỳ hạn dài hơn như 3 hay 6 tháng thay vì 1 tháng và dưới 1 tháng như hiện tại, ông nói.
Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt nhìn nhận, không nên đặt nặng vấn đề ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ. Nếu khó khăn về thanh khoản thì lớn cũng như nhỏ và đều cần sự giúp đỡ từ Ngân hàng Nhà nước. Dù thế, hiện nay, các ngân hàng nhỏ, đặc biệt là những đơn vị bị dính tin đồn sẽ "khổ" hơn và nếu kéo dài tình trạng này, nguy cơ không chống đỡ được là rất lớn, ông chia sẻ.
Lãnh đạo một ngân hàng thuộc nhóm G12 cũng thông cảm với các nhà băng nhỏ khi đưa ra nhận định, nên điều hành linh hoạt, "bóp" tay phải thì phải "nhả" tay trái. Nếu áp trần lãi suất đầu vào là 6% và 14% một năm, khi có vấn đề phải nhả thị trường mở và bơm vốn, nếu không, hậu quả nhìn thấy chính là cơn sốt liên ngân hàng trong thời gian vừa rồi khi lãi suất bị đẩy lên 28-30% một năm.
Ông cũng thẳng thắn cho rằng, không có chuyện ngân hàng lớn đang tranh thủ thời cơ để "o ép" nhà băng nhỏ. Bằng chứng là thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng lớn vẫn đang tích cực hỗ trợ thanh khoản cho những nhà băng nhỏ hơn. Hơn nữa, trước đó, chính ngân hàng nhỏ là người đi xé trần 14% huy động, khiến cho Ngân hàng Nhà nước phải ra tay, chẳng khác gì "tự mình bóp mình", ông nhận định. Riêng về đề án tái cấu trúc ngành ngân hàng, hiện nay mới có những thông tin ban đầu, do đó theo ông, các nhà băng nên bình tĩnh vì không thể quy chụp cứ nhỏ là bị sáp nhập.
Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam bày tỏ, khi khó khăn, các nhà băng lớn nên chia sẻ với những đơn vị nhỏ hơn. Dù thế, toàn hệ thống vẫn phải thực hiện nghiêm trần lãi suất như quy định của Ngân hàng Nhà nước và bất cứ hành vi "đi đêm" nào cũng sẽ bị coi là thiếu đạo đức.

Theo Tuệ Minh ( VNE)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)