Trải qua hơn 19 năm xây dựng và trưởng thành, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, góp phần thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) của đất nước trong từng thời kỳ. So với các ngân hàng khác trong hệ thống, VDB không phải là anh cả trong ngành, nhưng đã thể hiện được vị trí và vai trò quan trọng trong các hoạt động tín dụng đầu tư cho phát triển KT-XH của đất nước.
1.Xác định vai trò nhiệm vụ mà Chính phủ giao, từ khi ra đời, VDB luôn bám sát các nhiệm vụ, chức năng như: Huy động, tiếp nhận vốn của các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và tín dụng xuất khẩu theo quy định của Chính phủ; nhận ủy thác quản lý nguồn vốn ODA được Chính phủ cho vay lại; nhận ủy thác, cấp phát cho vay đầu tư và thu hồi nợ của khách hàng từ các tổ chức trong và ngoài nước thông qua hợp đồng nhận ủy thác giữa VDB với các tổ chức ủy thác; tham gia hệ thống thanh toán trong nước và quốc tế phục vụ các hoạt động của VDB theo quy định của pháp luật…
Với sự năng động và trách nhiệm cao trong hoạt động, VDB đã từng bước phát huy được vai trò ngân hàng chính sách của Chính phủ trong hỗ trợ những ngành, nghề mũi nhọn chương trình kinh tế trọng điểm, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ thành quả trên, VDB được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng giao quản lý huy động vốn và đầu tư dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; quản lý cho vay các nguồn vốn theo Chương trình kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa hệ thống đường giao thông nông thôn; tôn nền vượt lũ để xây dựng cụm, tuyến dân cư ở vùng ngập đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); quản lý vốn ủy thác từ các quỹ đầu tư phát triển của các địa phương; huy động ủy thác cho các địa phương…
2.Phần lớn những dự án vay vốn tín dụng tại VDB có tổng mức đầu tư lớn, thời gian đầu tư và thu hồi vốn kéo dài nên các ngân hàng thương mại ít khi cho vay vì không đủ tiềm lực tài chính hoặc không muốn gánh rủi ro. Do đó, việc tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng đầu tư của VDB đã giúp các chủ đầu tư đủ sức thực hiện nhiều dự án quan trọng như: Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy đạm Ninh Bình, Vệ tinh Vinasat 1 và 2, Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Nhà máy sữa TH…
Các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng đầu tư của VDB hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong vùng hưởng lợi của dự án, thông qua việc tạo ra nhiều việc làm mới, nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo và các bệnh viện, cải thiện môi trường sống…
Tập đoàn Y tế Phương Châu vừa đón nhận chứng nhận JCI Enterprise (JCI Hệ thống) khi 3 cơ sở bệnh viện của tập đoàn đều đạt được con dấu vàng chất lượng JCI gồm: Bệnh viện Quốc tế Phương Châu (Cần Thơ), Bệnh viện Quốc tế Phương Châu Sóc Trăng và Bệnh viện Phương Nam (TP.HCM). Với thành quả đáng trân trọng này, Tập đoàn Y tế Phương Châu trở thành hệ thống y tế đầu tiên tại Việt Nam ghi danh vào top 10 thế giới và là đơn vị y tế dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về quản lý an toàn – chất lượng chuẩn quốc tế JCI.
JCI – Joint Commission International là tổ chức giám định chất lượng bệnh viện của Hoa Kỳ. Chứng nhận JCI được y khoa thế giới đánh giá là tiêu chuẩn khắt khe bậc nhất về an toàn người bệnh và chất lượng chăm sóc y tế dành cho các bệnh viện và cơ sở y tế. JCI Enterprise (JCI hệ thống) là chứng nhận được công nhận bởi JCI dành cho hệ thống y tế có từ 3 bệnh viện trở lên, đạt chứng nhận JCI với hơn 1.200 tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn cho người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hồ, CEO – Nhà sáng lập Tập đoàn Y tế Phương Châu, bộc bạch: “Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã đồng hành cùng chúng tôi suốt thời gian dài trong việc cung cấp nguồn vốn, cũng như am hiểu và chia sẻ cùng chúng tôi trong những giai đoạn khó khăn. Việc tiếp cận nguồn vốn ổn định, cũng như sự hỗ trợ minh bạch từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã giúp phần lớn cho thành công của Tập đoàn Y tế Phương Châu hôm nay”.
3.Với Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được quyết định mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư theo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ. Chính sách tín dụng này sẽ tập trung cho vay các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực kết cấu hạ tầng KT-XH; công nghiệp, nông nghiệp, địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn có tác động lớn đến nền kinh tế; lĩnh vực khoa học công nghệ… Đối với nhóm lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp bổ sung thêm: Dự án đầu tư khu/vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tối đa đối với mỗi dự án bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động).
Ông Nguyễn Đức Tâm – Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Cần Thơ, cho biết: “Tháng 4-2022 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; theo đó sẽ có nhiều công trình, dự án đầu tư cho vùng, VDB sẽ tiếp tục đồng hành thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ trong quá trình thực hiện nghị quyết, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH vùng ĐBSCL nói riêng và toàn quốc nói chung”.
Thành Nhân – Đan Phượng
Bình luận (0)