Hội nhậpGiáo dục phát triển

Ngân hàng Thế giới đánh giá nhân lực trình độ chuyên môn cao của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Ngân hàng Thế giới, một trong những thách thức để Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 là nguồn nhân lực. Do nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao của Việt Nam hiện còn rất hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu các ngành công nghiệp công nghệ.

 

Sáng 27-8, ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp Tổng Lãnh sự quán các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc tại TP.HCM tổ chức tọa đàm “Đối thoại giữa ĐH và doanh nghiệp về phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao”.

Tọa đàm để doanh nghiệp và trường ĐH trao đổi, thảo luận các vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam như đánh giá, phản hồi của doanh nghiệp về chất lượng và mức độ đáp ứng của sinh viên so với nhu cầu thực tiễn; xu hướng tuyển dụng và các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp trong tương lai gần…

Đại biểu quốc tế trình bày ý kiến tại tọa đàm

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong báo cáo tại tọa đàm, Việt Nam đã phát triển nhanh trong suốt 3 thập kỷ gần đây nhưng cần có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn để trở thành quốc gia có thu nhập cao năm 2045.

Thế nhưng một trong những thách thức để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 chính là nguồn nhân lực. Do nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu các ngành công nghiệp công nghệ.

Trong khi đó, nâng cao chuỗi giá trị các ngành công nghiệp công nghệ đòi hỏi nguồn nhân lực đầy đủ có trình độ ĐH, kỹ năng chuyên sâu và bằng cấp về STEM.

Cùng với đó, Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng Việt Nam đang tụt hậu về nguồn nhân lực và tài chính cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam chỉ bằng 1/6 giá trị trung bình kỳ vọng (EAP).

Trong số các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam, tình trạng thiếu kinh phí, thiếu nhân lực nghiên cứu và phát triển ở lĩnh vực khoa học – công nghệ là những rào cản lớn nhất đối với chất lượng, kết quả nghiên cứu, phát triển.

Ngân hàng Thế giới đưa ra khuyến nghị các giải pháp bao gồm sự cam kết nguồn cung từ các cơ sở giáo dục ĐH, tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển, mở rộng quy mô đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực STEM…

PGS.TS Vũ Hải Quân (Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) phát biểu

Tại tọa đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân (Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay ĐH Quốc gia TP.HCM luôn xem việc hợp tác với doanh nghiệp là một trong những hoạt động quan trọng để gia tăng nguồn lực, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển.

Trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu, ĐH Quốc gia TP.HCM xác định hợp tác với doanh nghiệp là đòn bẩy để cải tiến chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn; là điểm tựa để các nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn.

Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, ĐH Quốc gia TP.HCM đã xác định 3 mũi nhọn về đào tạo và nghiên cứu gồm: Công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo.

Trong khuôn khổ tọa đàm, Tổng Lãnh sự quán 3 nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng đã có những trao đổi định hướng về kế hoạch đầu tư của các quốc gia này tại Việt Nam thời gian tới; đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, các chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực.

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)