Tại Việt Nam, tỷ lệ nam giới không có tinh trùng chiếm 5-10% trong số những ca vô sinh. Vì thế, nhu cầu là rất lớn nhưng các ngân hàng tinh trùng luôn trong tình trạng đói kém vì hầu như không có ai tự nguyện đi cho.
Lấy nhau được hơn 6 năm nhưng hai vợ chồng chị Khánh (Gia Lâm, Hà Nội) chưa có mụn con nào. Anh Khánh là con một trong nhà nên gánh nặng con cái càng đè nặng lên vai cả hai. Uống thuốc đông tây y đủ cả, thậm chí đi cầu trời, khấn phật tứ phương, cứ nghe chỗ nào thiêng là chị bắt chồng chở đi đến tận nơi. Có con theo cách tự nhiên không được, hai vợ chồng liền dành dụm tiền để đi thụ tinh trong ống nghiệm.
"Những tưởng mọi chuyện sẽ suôn sẻ, ai dè đi khám bác sĩ kết luận ông xã không có tinh trùng. Bệnh viện cũng không có tinh trùng, bắt phải tự kiếm người cho. Giờ biết xin tinh trùng ở đâu ra, ai người ta cho", chị Khánh buồn bã nói.
Giờ đây, hai vợ chồng chị vừa tận dụng mọi mối quan hệ để mong có người cho tinh trùng, vừa gọi điện đến hỏi bệnh viện xem có ai cho tinh trùng không. Nhưng câu trả lời chị nhận được vẫn là không.
Một ca thụ tinh nhân tạo được thực hiện tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: P.H. |
Thông cảm với hoàn cảnh của hai vợ chồng chị, nhưng các bác sĩ cũng không thể giúp gì được. Thạc sĩ – bác sĩ Vũ Minh Ngọc, Phó trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, giống như chị Khánh, không ít cặp vợ chồng hiếm muộn muốn xin tinh trùng nhưng không hề đơn giản.
Hiện mẫu tinh trùng tự do trong bệnh viện rất khan hiếm vì hầu như không có ai tự nguyện cho. Trong khi đó, tại khoa, trong số các cặp vợ chồng đến khám hiếm muộn thì 5% nam giới không có tinh trùng.
Tình trạng cũng tương tự tại Bệnh viện Phụ sản trung ương. Ngân hàng tinh trùng của bệnh viện chủ yếu là lưu giữ những mẫu tinh trùng của người gửi. Số người hiến tinh trùng rất ít, trong khi đó, tỷ lệ nam giới không có tinh trùng chiếm khoảng 10% trong những ca vô sinh.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến nhiều người không có thói quen đi hiến tinh trùng một phần vì quy trình lấy không đơn giản.
Người đến cho tinh trùng phải có những tiêu chuẩn nhất định, nam, khỏe mạnh, dưới 40 tuổi là tốt nhất, đồng ý cho tinh trùng, có gia đình và có con là tốt nhất, không mắc bệnh dị tật, di truyền. Bệnh viện sẽ làm một loạt các xét nghiệm, kiểm tra có mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan B, HIV…, nếu âm tính mới được lấy. Tuy nhiên, 3 tháng sau, người cho phải quay lại để làm tiếp tục xét nghiệm nếu nhằm loại trừ kết quả âm tính giả ở giai đoạn cửa sổ của lần xét nghiệm trước. Nếu vẫn âm tính thì mẫu tinh trùng đó mới được sử dụng.
Thực tế, người đến cho tinh trùng đã hiếm, người quay lại để làm xét nghiệm lần 2 lại càng hiếm. Bác sĩ Ngọc vẫn nhớ mãi trường hợp duy nhất ở Hà Nội, đến cho tinh trùng cách đây vài năm.
"Lần thứ nhất xét nghiệm thì mọi thứ đều ổn, bác sĩ lấy 3 mẫu tinh trùng trữ lại, hẹn 3 tháng sau quay lại để kiểm tra tiếp nếu mọi xét nghiệm vẫn âm tính thì mẫu đó được sẽ được dùng. Thế nhưng người thanh niên đó đã một đi không trở lại, kết quả chúng tôi phải hủy 3 mẫu đó", bác sĩ Ngọc nói.
Bên cạnh đó, người dân chưa biết nhiều về việc hiến tặng tinh trùng hoặc nếu biết thì cũng không đầy đủ. Vì thế, họ sợ sau này con cái họ vô tình gặp rồi lấy nhau thì lại là hôn nhân cùng huyết thống.
Cũng theo bác sĩ Ngọc, việc cho – nhận tinh trùng được thực hiện trên nguyên tắc, người cho không biết cho ai, người nhận cũng không biết nhận của ai. Người hiến tặng phải làm cam kết không quay lại bệnh viện hỏi xem mẫu đã cho ai.
Bệnh nhân muốn xin tinh trùng thì phải tự tìm người hiến. Bệnh viện sẽ lấy mẫu tinh trùng đó và đổi cho một mẫu khác trong ngân hàng của bệnh viện, tránh chuyện tranh chấp con cái sau này và hạn chế tối đa chuyện con cái có cùng huyết thống lấy nhau. Một người hiến được lấy 3 mẫu tinh trùng, nếu một mẫu bơm cho bệnh nhân và người đó có thai thì hai mẫu còn kia sẽ bị hủy, không dùng nữa.
"Nhiều năm làm việc với các cặp vợ chồng hiếm muộn, những người làm bác sĩ như chúng tôi thấu hiểu hơn ai hết nỗi vất vả của những cặp vợ chồng vô sinh. Vì thế, chúng tôi rất muốn có thật nhiều người đến hiến tinh trùng. Có lúc, chúng tôi đùa với nhau có lẽ đã đến lúc phải quảng bá giống như việc hiến máu", bác sĩ Ngọc tâm sự.
Nam Phương (VnExpress)
Bình luận (0)