Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngân hàng vẫn kiếm lời tốt dù dịch bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

UBND TP.HCM mới đây kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp theo hướng lãi suất cho vay không cao hơn 2% so với lãi suất huy động tiền gửi.
Việc giảm lãi vay vẫn còn dư địa  /// ẢNH: NGỌC THẮNG
Việc giảm lãi vay vẫn còn dư địa. ẢNH: NGỌC THẮNG
Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ vay tái cấp vốn, vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh, bảo lãnh thanh toán các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu với mức lãi suất 0% cho các doanh nghiệp (DN) khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ, cho vay ưu đãi, gia hạn thời gian thanh toán nợ.
Dư địa giảm lãi vay vẫn còn
Bà A.T, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM T.T (Q.Tân Bình, TP.HCM) chuyên về sản xuất vải, cho biết vừa trả xong khoản nợ mấy chục tỉ đồng cho ngân hàng (NH) cách đây mấy tháng. Công ty cũng đang chuẩn bị vay mới để đầu tư máy móc thiết bị với lãi suất ưu đãi năm đầu 8%/năm. Theo như hợp đồng cũ vay từ năm 2016, sau thời gian ưu đãi lãi suất vay 8,5%/năm khoảng 1 năm, NH điều chỉnh lãi vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3,5%/năm. Tuy nhiên, lại có thêm quy định “trường hợp lãi suất cho vay xác định theo quy định này thấp hơn mức lãi suất sàn cho vay kỳ hạn tương ứng 10,5% thì lãi suất sẽ căn cứ theo lãi suất sàn”.
“Các nhà băng đều nắm đằng chuôi, họ đưa ra quy định này vì những năm gần đây, lãi suất huy động giảm khá sâu. Nếu tính theo kỳ hạn 12 tháng thì cũng ở mức 5 – 5,5%/năm, cộng thêm biên độ 3,5% thì lãi vay mà DN trả cũng tầm 9%/năm. Thế nhưng do quy định lãi suất sàn 10,5%/năm nên phía NH yêu cầu DN thực hiện theo mức này”, bà A.T giải thích.
Như vậy có thể thấy, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra trên thị trường hiện nay vẫn rất cao. Nhưng đó mới chỉ là tính “dợm”, các nhà băng còn huy động được một nguồn vốn rẻ rất lớn với lãi suất 0% từ số dư tiền gửi thanh toán của khách hàng cá nhân. Cụ thể, đến cuối quý 2/2021, số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân cũng tăng mạnh 87.920 tỉ đồng, lên mức 754.702 tỉ đồng, tương ứng mức tăng lên đến 13,2%. Điều đáng nói là lãi suất tiền gửi thanh toán ở mức rất thấp, chỉ từ 0,1 – 0,3%/năm. Cũng có nghĩa là phía NH đã sử dụng được nguồn vốn rất rẻ. Riêng lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn, dao động từ mức dưới 12 tháng từ 2,5 – 6,5%/năm, từ 12 tháng trở lên từ 6,1 – 6,8%/năm.
Theo thống kê của Công ty CP chứng khoán VNDIRECT mới đây, hầu hết NH niêm yết đều ghi nhận biên lãi suất (NIM) tăng từ 0,4 – 0,9%, lên 3,2 – 9%, phổ biến ở mức 3 – 5%. Về chi phí vốn, lãi suất huy động của các NH tiếp tục xu hướng giảm kể từ năm 2020 và đã giảm khoảng 0,1 – 0,5% ở các kỳ hạn so với đầu năm 2021. Lãi suất huy động giảm là do thanh khoản dồi dào trong khi cầu tín dụng vẫn chưa phục hồi mạnh. Do đó, tất cả NH đều được hưởng chi phí vốn (COF) giảm trong 6 tháng đầu năm 2021. Với các con số này cho thấy, bất chấp đại dịch, NH vẫn “ăn dày” và việc giảm lãi vay là vẫn còn dư địa.
Khống chế NIM
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận xét NIM từ 3 – 9%/năm là cao, đây cũng là lý do NH kiếm lời nhiều. NIM gia tăng do lãi suất huy động giảm mà vay không giảm theo kịp. “Việc kiểm soát NIM thời điểm hiện nay là hợp lý, tránh việc NH lợi dụng tăng kiếm lời nhưng cũng không nên đánh đồng 2% cho tất cả NH.
Nếu ban hành quy định hành chính này, sẽ dẫn đến khó khăn cho những NH nhỏ có chi phí vận hành lớn bởi cơ cấu chi phí lợi nhuận của các NH là khác nhau, sẽ dẫn đến một số các NH không đáp ứng đủ chi phí hoạt động và bị lỗ, gây ra một số rủi ro cho hệ thống trong tương lai, chưa kể các vấn đề về tỷ lệ nợ xấu và trích lập dự phòng”, ông Huân nói và dẫn chứng, một NH có NIM 3% nhưng lợi nhuận gấp đôi các NH có NIM 5% là do chi phí thuê trụ sở thấp, quy mô hoạt động lớn…
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, đề xuất: Đối với những khách hàng vay gặp khó khăn, nhà nước nên tính đến gói bù lãi suất như trước đây là 4%, chẳng hạn hiện nay DN đang vay 8 – 9%/năm thì ngân sách bù lãi suất 4%, khách hàng chỉ phải đóng phần còn lại. Tuy nhiên ngân sách hiện hạn hẹp nên đối tượng được hỗ trợ sẽ phải khó khăn thật sự.
Để hạn chế NIM tăng tiếp trong thời gian tới, TS Huân đề nghị, có thể là áp NIM theo mức trung bình 3 năm trước Covid-19 của NH, để đảm bảo là họ không đẩy NIM nhằm hưởng lợi, bắt chẹt các DN. Đồng thời có thể xem xét các NH đã đủ tỷ lệ tín dụng được cấp muốn tăng room thì sẽ áp mức 2% này. NH nào thấy có khả năng thì có thể triển khai từ giờ cho đến cuối năm để hỗ trợ DN. Các NH chi phí vượt quá doanh thu thì sẽ không tham gia và chỉ được hoàn thành đủ room tín dụng trong năm với mức NIM hiện tại.
Dù không đồng ý với mức NIM cao như hiện nay nhưng ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi), cũng cho rằng việc giảm NIM xuống dưới 2% là không khả thi, điều này sẽ bóp nghẹt việc cho vay tiêu dùng. Hơn nữa trong các khoản nợ vay, có những khoản nhà băng đòi được nợ, nhưng cũng có những khoản nợ xấu nên các NH phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, NH phải có khoản bù đắp. Các khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, đồng nghĩa nợ xấu trong thời gian tới sẽ tăng lên.
Nếu các NH không trích lập dự phòng đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động. Vì vậy, nếu có đưa ra quy định khống chế mức NIM thì có thể 3% là hợp lý. Một số biện pháp hỗ trợ DN, cá nhân trong thời điểm hiện nay, theo ông Hải đó là cho các lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh mau chóng hoạt động trở lại để khách hàng có dòng tiền trả nợ, chứ đóng cửa hết thì dù có giảm lãi suất bao nhiêu, thuế có hỗ trợ như thế nào cũng không hiệu quả.
Theo Thanh Xuân/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)