Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ngàn hoa dâng Bác mừng sinh nhật Người

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) đã long trọng tổ chức chương trình nghệ thuật “Ngàn hoa dâng Bác”. Trong thời gian 60 phút, những bài ca ca ngợi về Đảng, về Bác đã được thầy và trò nhà trường cất lên. Những mẩu chuyện về Bác gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường cũng được Hiệu trưởng nhà trường – thầy Huỳnh Thanh Phú kể lại, gửi gắm những thông điệp, nhận thức đến giáo viên, học sinh toàn trường.

“Họa sĩ Diệp Minh Châu, người có một thời gian được sống gần Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc, đã từng chứng kiến Bác hì hục đào hố trồng một cây quýt trước khi chuyển sang nơi ở mới. Thấy lạ, họa sĩ Diệp Minh Châu hỏi: “Dời nhà rồi, Bác còn trồng làm gì?”. Bác đáp: “Ít lâu nữa cây quýt lớn lên, có trái, người đi đường, đi rừng có thể đỡ khát”. Đó chính là phong cách sống cao cả của Bác”, thầy Phú mở đầu câu chuyện.

Nói về phòng cách sống giản dị gắn với thiên nhiên của Bác, thầy Phú cũng đề cập đến câu chuyện trong bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân dân số 2082, ngày 28-11-1959. Khi ấy Người nêu rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều… Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta…”. Đối với Bác, trồng cây không chỉ là lợi ích trước mắt mà còn làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Trong bài nói chuyện với đại biểu thanh niên sáng 5-2-1961 tại vườn hoa Thanh niên, Công viên Thống Nhất, Bác nói: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng 3 cây chăm sóc thật tốt, thì 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. 5 năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây. Nếu các cháu đem 120 triệu cây ấy trồng trên con đường nối liền Hà Nội – Mát-xcơ-va thì con đường từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản thêm xanh tươi”.

Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi năm 1963, Bác ân cần nhắc nhở: “Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây dựng lại rừng phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”.

“Những mẩu chuyện về Bác là những bài học đương thời, qua bao nhiêu năm vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh thế giới ngày nay. Nhắc lại những lời dạy của Bác về công tác bảo vệ rừng, trồng cây xanh, bảo vệ môi trường, nhà trường mong muốn các thầy cô giáo, thế hệ học sinh nhà trường sẽ học được ở Người những bài học sâu sắc. Đơn giản chỉ là biết vệ sinh phòng dịch cho bản thân, bảo vệ môi trường bằng những hành động cụ thể như không xả rác bừa bãi, không chặt phá cây xanh, trồng thêm nhiều cây xanh khi có thể”, thầy Phú nhấn mạnh.

Yến Hoa

 

Bình luận (0)