Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ngăn học sinh trường nghề bỏ học

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều năm qua, tỷ lệ sinh viên, học sinh tại các trường CĐ, trung cấp 'rơi rụng' quá nhiều trong quá trình học khiến các trường tìm cách giữ lại học sinh.
Các trường nghề tìm cách để giúp học sinh - sinh viên theo đuổi đến cùng việc học /// Ảnh: Mỹ Quyên
Các trường nghề tìm cách để giúp học sinh – sinh viên theo đuổi đến cùng việc học. ẢNH: MỸ QUYÊN
Nhiều lý do bỏ cuộc
Theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, năm 2017, bậc CĐ tại TP.HCM có 15.609 sinh viên (SV) và bậc trung cấp có 13.148 học sinh (HS) tốt nghiệp, chỉ đạt hơn 50% so với số lượng đầu vào.
Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng thu hút đầu vào rất mạnh do uy tín và chất lượng đào tạo, nhưng cũng không tránh khỏi hằng năm lượng SV bỏ học nhiều. Ví dụ, năm học 2015 – 2016 tỷ lệ này là 22,56%, năm 2016 – 2017 là 17,66%. Trường CĐ kinh tế – kỹ thuật Vinatex mỗi năm xóa tên từ 300 – 400 SV. Trường trung cấp kỹ thuật – công nghệ Hùng Vương cũng có khoảng 30% HS rơi rụng trong vòng 2 năm, từ lúc vào cho tới khi tốt nghiệp. Nhất là những trường trung cấp có tuyển sinh HS tốt nghiệp bậc THCS, HS phải vừa học văn hóa vừa học nghề, sau một học kỳ có trường đã mất đi 30 – 40% HS khóa mới.
Tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ kinh tế – kỹ thuật Vinatex, nhìn nhận: “Hầu hết do các em không theo kịp tiến độ cũng như nội dung chương trình học tập, bị điểm kém nên nghỉ học. Một số ít do hoàn cảnh gia đình, hoặc do chọn sai ngành, chán nên nghỉ. Các trường CĐ tuyển đã khó, mà rơi rụng nhiều vậy nên chúng tôi rất xót”.
Theo bà Phạm Quang Trang Thủy, Trường trung cấp kỹ thuật – công nghệ Hùng Vương, cho biết đa số HS nghỉ giữa chừng là do chưa xác định được nghề nghiệp mà mình theo đuổi, lại thêm tâm lý học trung cấp dễ khiến các em chán nản. Một lý do nữa, HS kỹ thuật đa số là nam, đang ở lứa tuổi đi nghĩa vụ quân sự, trong khi bậc trung cấp không được miễn nghĩa vụ như ĐH và CĐ.
Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng, cho rằng SV bỏ học gây ra lãng phí tiền của, thời gian, ảnh hưởng đến tổng thể các kế hoạch phát triển chung và bền vững của nhà trường.
Quan tâm, chăm sóc, tạo cơ hội việc làm
Theo tiến sĩ Lê Đình Kha, để giữ học trò lại cho đến lúc tốt nghiệp, ngay từ đầu, vai trò của giáo viên chủ nhiệm được xem là rất quan trọng, bởi giáo viên chủ nhiệm chính là người cố vấn học tập, tư vấn định hướng nghề nghiệp cho HS – SV.
“Trong mấy năm qua, công tác HS, SV và phục vụ đào tạo được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Từ năm nhất, các em được tiếp cận với rất nhiều hoạt động hỗ trợ như đi tham quan doanh nghiệp đúng chuyên ngành để được biết về những công việc mà mình có thể làm sau khi ra trường, từ đó có động lực học tập và có thể lập kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân. Trường cũng xây dựng các khu tự học khang trang, thư viện được trang bị nhiều đầu sách mới, tăng số lượng máy tính có kết nối mạng để SV nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức. Đồng thời, nhà trường phối hợp với gia đình để cùng hỗ trợ các em được tốt hơn. Nhờ thế, đến năm học 2017 – 2018, tỷ lệ rơi rụng chỉ còn 12,32%”, ông Kha thông tin.
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, thì nhấn mạnh có 2 việc mà các trường cần chú trọng đó là tổ chức đào tạo phải tốt, không được gây thất vọng cho người học. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm, bộ phận công tác HS – SV phải quan tâm, chăm sóc, theo sát để nắm bắt nhu cầu SV, biết được các em đang gặp khó khăn gì để hỗ trợ, giải quyết.
Tại Trường trung cấp kỹ thuật – công nghệ Hùng Vương, giải pháp mà trường đang thực hiện là giáo viên phải tạo được sự hứng thú, yêu nghề cho người học, trang thiết bị phải được đầu tư hiện đại và đủ để cho HS thực hành và môi trường học tập phải giúp cho HS cảm thấy thoải mái. “Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi yêu cầu giáo viên phải lồng ghép định hướng nghề nghiệp cho HS, giúp các em hiểu nghề, yêu nghề. Đầu khóa, chúng tôi cũng khuyến khích các em cứ học, làm quen đi rồi nếu thấy không phù hợp thì được chuyển sang nghề khác mà các em yêu thích hơn. Chúng tôi luôn làm mọi cách để giúp các em gắn bó với nghề nghiệp”, bà Phạm Quang Trang Thủy chia sẻ.
Tiến sĩ Phan Thị Hải Vân cho biết: “Tại Trường CĐ kinh tế – kỹ thuật Vinatex, đội ngũ cố vấn học tập luôn có tiết sinh hoạt lớp hằng tuần. Thấy em nào nghỉ 1, 2 lần phải lập tức liên lạc tìm hiểu để kịp thời hỗ trợ, động viên các em. Hơn nữa, học nghề mà không được hành nghề sẽ dễ khiến các em chán nản, nên ngoài thời gian thực tập, trường còn thiết kế 10 tuần cho các em thực hành tại doanh nghiệp, giúp các em tiếp cận với nghề, tạo sự hứng thú và tạo cơ hội cho các em dễ dàng kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp”.
Ý kiến
Tăng thực hành và hoạt động vui chơi
Vì là con trai nên tụi em khá nghịch ngợm và lười. Học mấy ngành kỹ thuật nếu cứ phải học lý thuyết nhiều thì sẽ rất chán. Nhiều bạn trong lớp nghỉ một vài buổi, sau đó đi học không theo kịp thế là nghỉ luôn. Vì vậy, em mong thầy cô giảm bớt lý thuyết ở những môn học không liên quan đến chuyên môn, tăng thời lượng thực hành. Và nên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi hơn nữa bên cạnh chuyện học để tụi em gắn bó với trường, thấy vui hơn sẽ không cảm thấy đến trường chỉ học và học.
Nguyễn Duy (sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng)
Khó khăn khi học các môn văn hóa
Em có học lực yếu nên chọn học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS. Việc học cũng khá thoải mái nhưng đối với bọn em, khó nhất là phải học thêm những môn văn hóa, vốn không phải thế mạnh của em. Nhiều lúc em rất đuối nhưng thầy nói phải hoàn thành các môn văn hóa thì sau này tốt nghiệp mới có thể liên thông lên CĐ nên em cố gắng theo đuổi.
Bùi Thanh Tuấn (học sinh Trường trung cấp nghề Nhân Đạo)

Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)