Mùa xuân, tự muôn đời, vốn là nguồn mạch cảm hứng bất tận của văn chương nghệ thuật, đồng hành cùng thi ca suốt dọc chiều dài lịch sử ngôn ngữ – văn hóa dân tộc, trong đó, từ “xuân” luôn được sử dụng phong phú và sáng tạo.
Về tự dạng, chữ xuân trong chữ Nôm và chữ Hán tương tự nhau (春), còn về nghĩa, cơ bản nghĩa từ “xuân” trong từ vựng tiếng Việt xuất phát từ nghĩa Hán tự, chỉ mùa đầu tiên trong năm – một trong bốn mùa của thiên nhiên – bắt đầu từ thời điểm mùa đông kết thúc, cây lá đâm chồi, nảy lộc, kết hoa.
Từ chữ “xuân” trong nhà trường
Chiết tự chữ xuân ra các thành tố, gồm 3 chữ: thiên (天, trời), đại (大, lớn), và nhật (日, ngày/mặt trời) ghép lại với ý nghĩa một ngày đẹp trời, mặt trời tỏa nắng ấm, là ngày lễ lớn nhất trong năm, đó là ngày xuân (春). Bạn đồng môn của chúng tôi, chuyên gia Hán Nôm kỳ cựu Nguyễn Văn Bảy (Trường ĐH Quảng Nam), lại cho rằng chữ xuân (春) gồm ba chữ: tam (三, số 3), nhân (人, người), nhật (日, ngày) hợp lại mà thành. Tam nhân chỉ số nhiều, đông người; nhật là mặt trời; mùa xuân về, nắng ấm, là dịp mọi người cùng nhau dạo chơi.
Tán đồng ý kiến trên, bạn đồng môn khác – nhà giáo lão thành Đặng Văn Du (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) bồi hồi nhớ lại, vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ở Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn (nay là ĐH Quy Nhơn), chúng tôi học bộ môn Hán Nôm suốt 2 năm, được thầy Huỳnh Văn Trứ (đã lên tiên cảnh) và thầy Đàm Đình Tâm giảng giải cặn kẽ, xuân gồm 3 chữ tam, nhân, nhật; tam nhân tượng trưng cho nhiều người; nhật vừa có nghĩa là ngày, vừa là mặt trời; vào những ngày đẹp trời, nhiều người dạo chơi, thì ngày đó là ngày xuân; gợi liên tưởng đến cảnh “ngày xuân con én đưa thoi” trong Truyện Kiều, ba chị em họ Vương cùng nhau trẩy hội xuân, tảo mộ trong tiết Thanh minh.
Còn trong nhà trường phổ thông, câu thơ của Bác là ngữ liệu kinh điển chứa từ xuân thường được các thầy cô sử dụng, giúp học sinh phân biệt nghĩa đen, nghĩa bóng của từ:
Mùa xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
“Xuân” trong văn chương truyền khẩu
Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, xuân có 4 nét nghĩa chính: mùa đầu tiên trong năm; năm/tuổi con người; tuổi trẻ tươi đẹp, tràn đầy sức sống; tình yêu trai gái đẹp đẽ. Ngoài ra, còn khá nhiều từ ghép có yếu tố xuân: xuân đường (người cha); xuân huyên (cha mẹ); xuân sắc (cảnh đẹp mùa xuân/tuổi trẻ tươi đẹp); xuân quang (cảnh sắc ngày xuân); xuân nữ (cô gái đẹp, đến tuổi lấy chồng); xuân dung (dung mạo xinh tươi như cảnh mùa xuân); xuân duẫn (măng mùa xuân, ví ngón tay thon đẹp của thiếu nữ); xuân họa (bức tranh cảnh sinh hoạt nam nữ); xuân huy (ánh sáng mùa xuân/ơn đức của cha mẹ); xuân mộng (giấc mộng công danh phú quý); xuân bảng (bảng yết tên những người thi đậu); xuân tỏa (khóa vẻ xuân, gái chưa chồng ở kín trong nhà; phụ nữ góa đóng cửa giữ tiết)… Cạnh đó, từ vựng Hán Việt còn ghi nhận nhiều từ khác tự dạng, khác nghĩa nhưng đồng âm “xuân” với nhau: 春 – mùa đầu tiên trong năm; 夋 – đi vòng quanh; 芚 – một loại rau như rau dền; 鰆 – cá thu ảo nhỏ…
Từ xuân được sử dụng nhiều trong thành ngữ, tục ngữ, văn chương truyền khẩu:
Xuân bất tái lai.
Cung chúc tân xuân.
Chúc Tết đến trăm điều như ý,
Mừng xuân sang vạn sự thành công.
Xuân về sum họp cả nhà,
Đông đầy con cháu, ông bà vui tươi.
Mỗi năm một tuổi như đuổi xuân đi,
Cái già xồng xộc nó thì đến sau.
– Chơi xuân kẻo lỡ quá thì,
Xuân qua, ngoảnh lại còn gì là xuân?
Đặc biệt, từ xuân thường phổ dụng trong ca dao đề tài tình yêu nam nữ:
– Mưa xuân phơi phới vườn đào,
Công anh đắp đất, ngăn rào trồng hoa.
Trăng lên đỉnh núi trăng tròn,
Xuân xanh em mấy mà giòn rứa em?
Mấy khi khách đến vườn xuân,
Gió xuân mở cửa, nhành xuân dẫn đường.
Vườn xuân hoa nở đầy giàn,
Ngăn con bướm lại, kẻo tàn nhị hoa.
Có khi từ xuân được gọi chệch thành xoan:
Trai ba mươi tuổi đang xoan,
Gái ba mươi tuổi đã toan về già.
Điệu hát xoan phổ biến ở vùng đất tổ Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ), tên gốc là hát xuân, là loại hình nghệ thuật lễ hội phong tục đa yếu tố: có nhạc, hát, múa, thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, tương truyền ra đời khoảng thời Hùng Vương dựng nước, vì kỵ húy tên công chúa Xuân Nương, nên được gọi chệnh thành hát xoan.
Đến “xuân” trong văn học thành văn
Đọc “Nhật ký trong tù”, ta cảm phục Bác Hồ, dù bị đày ải cơ cực trong chốn lao tù, Người vẫn tự khuyên mình:
Ví không có cảnh đông tàn,
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân.
Nghĩ mình trong bước gian truân,
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.
Hình ảnh đông, xuân trong bài thơ không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về mùa, mà hàm ngôn đến thực tại và tương lai sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc.
Bài thơ tứ tuyệt “Nguyên tiêu” bất hủ được Bác sáng tác năm 1948 có thể xem là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất về đề tài mùa xuân trong thơ Người:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Chỉ qua bốn câu thất ngôn, Bác đã gợi lên trước mắt người đọc bức tranh xuân đặc sắc giá trị tạo hình, vẻ đẹp thiên nhiên và con người như hòa quyện vào nhau, dòng sông, mặt nước, bầu trời lung linh, thơ mộng dưới ánh rằm xuân.
Đại thi hào Nguyễn Du cũng là bậc thầy về sử dụng từ xuân một cách linh hoạt và sáng tạo trong Đoạn trường tân thanh. Có tác giả đã khảo cứu, ngoài từ xuân nghĩa gốc, Truyện Kiều có ngót 60 biến thể khác, như: chiều xuân, đêm xuân, xuân xanh, lòng xuân, chén xuân, xuân tình, cỗi xuân, bảng xuân, nửa chừng xuân…
Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương cũng ghi dấu ấn trong văn chương nước nhà khi dùng từ xuân trong nhiều câu thơ tuyệt tác, tài hoa:
– Đôi lứa như in tờ giấy trắng,
Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh. (Tranh tố nữ)
– Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con. (Tự tình–2)
Nhắc đến nhà thơ dân dã Nguyễn Bính, bạn đọc khó thể quên được những câu thơ chân chất, đằm thắm đan xen, hòa quyện giữa xuân đất trời và xuân lòng người:
– Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
– Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn,
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng. (Mưa xuân)
Còn “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu cũng chinh phục nhiều thế hệ độc giả bởi những vần thơ “xuân không mùa”. Song hành cùng tình yêu và tuổi trẻ, mùa xuân hiện diện trong thơ Xuân Diệu với đủ đầy những cung bậc cảm xúc, từ thanh tân đến tàn phai, từ tha thiết, đắm say đến khát khao, tiếc nuối:
– Xuân của đất trời nay mới đến,
Trong tôi, xuân đến đã lâu rồi.
Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi,
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi. (Nguyên đán).
– Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất!
…
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi! (Vội vàng)
***
Tết đến xuân về, bên chung rượu chén trà, chiêm ngẫm thêm về từ xuân, ta thấy bao điều thú vị. Từ nhà trường đến cuộc sống, từ văn chương truyền khẩu sang văn học thành văn, từ “xuân” được các thế hệ sử dụng độc đáo, sáng tạo, thể hiện bản sắc tinh tế và phong phú vốn có của tiếng Việt giàu đẹp.
Do vậy, cùng với thiên nhiên và con người, ngôn ngữ tiếng Việt của ta sẽ “ngàn năm còn mãi cái xuân xanh”.
Đỗ Song Quyên
Bình luận (0)