Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Ngán ngẩm vì trạm thu phí bủa vây

Tạp Chí Giáo Dục

Cả nước hiện đang có hàng trăm trạm thu phí, riêng khu vực TP.HCM và 4 tỉnh lân cận cũng có đến khoảng 40 trạm. Sắp tới TP.HCM sẽ có thêm 4 trạm thu phí nữa. Điều đáng nói là mật độ trạm dày đặc đang gây phiền toái cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu tạm dừng bố trí mới các trạm thu phí không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70km giữa 2 trạm trên cùng một tuyến đường.

TP.HCM: Sẽ có 10 trạm thu phí

UBND TP.HCM vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về số trạm thu phí theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) đường bộ trên địa bàn TP.HCM và cho biết sắp tới thành phố sẽ xây dựng thêm 4 trạm thu phí nữa để hoàn vốn các dự án giao thông.

Hiện tại, trên địa bàn thành phố đã có 6 trạm thu phí gồm: Trạm xa lộ Hà Nội (quận 9 và quận Thủ Đức), trạm cầu Bình Triệu, trạm cầu Phú Mỹ, trạm trên đường Nguyễn Văn Linh, trạm thu phí trên đường Võ Văn Kiệt và trạm An Sương – An Lạc. Sắp tới, thành phố dự kiến sẽ xây thêm 4 trạm thu phí nữa từ năm 2016 gồm: Trạm trên đường Nguyễn Duy Trinh (để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào KCN Phú Hữu, quận 9), trạm thu phí xây dựng công trình nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, trạm thu phí dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ và cuối cùng là trạm thu phí dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ (QL) 22.

Một trạm thu phí tại xa lộ Hà Nội

Bên cạnh 10 trạm thu phí trên, còn có 9 trạm thu phí khác tọa lạc trên các trục đường cửa ngõ thành phố tại QL 1K, QL 13, QL 51, đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Bất cập vì mật độ quá dày

Theo nhận xét của một chuyên gia giao thông, thông tư 90/2004 và 159/2013 của Bộ Tài chính quy định, cự ly tối thiểu 70km giữa 2 trạm thu phí khá mơ hồ, cụ thể thông tư quy định chỉ trên một tuyến đường chứ không nói trên nhiều tuyến đường của địa phương hoặc của các địa phương lân cận. Đó là nguyên do cho ra đời nhiều trạm thu phí có cự ly không đảm bảo khoảng cách theo quy định nhưng vẫn được hoạt động và thu phí. Chuyên gia này chỉ ra rằng hiện nay, tính bình quân cứ 30-40km lại có một trạm thu phí. Chẳng hạn như  từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột 300km có tới 7 trạm thu phí, đúng ra chỉ nên bố trí 4 trạm theo quy định giãn cách là 70km/trạm, hoặc từ TP.HCM đi Vũng Tàu chỉ 100km lại có đến 3 trạm thu phí (bình quân 30km/trạm). Thậm chí có nơi khoảng cách giãn cách giữa các trạm thu chỉ vỏn vẹn 1km, đó là đoạn đường dài chỉ 5km từ ngã ba Tân Vạn (Đồng Nai) về Tân Uyên (Bình Dương) mà có đến 5 trạm thu phí.

Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện có 96 trạm thu phí trên các tuyến QL đang và sẽ hoạt động khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó, 45 trạm đang thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT, 51 trạm sẽ thực hiện thu phí sau khi hoàn thành khoảng từ nay đến năm 2018.

Ông N.M, chủ một doanh nghiệp ở Long An than thở vì theo ông tính toán, phí nộp qua 3 trạm thu phí khi hàng hóa được vận chuyển từ cảng Cát Lái (quận 2, TP.HCM) về Long An đã chiếm đến 30% phí chở hàng. Việc đóng phí cầu đường cao tạo áp lực cho chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải và các chủ xe, nhưng thực tế người chịu thiệt thòi nhiều nhất lại chính là người tiêu dùng. Vô hình trung tình trạng trên là nguyên nhân làm cho giá vé tăng, giá cước tăng, giá hàng hóa dịch vụ cũng tăng theo dẫn đến sản xuất đình trệ và người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Phó tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thừa nhận thực tế có nhiều trạm thu phí được bố trí dày đặc nhưng nó nằm trên các tuyến đường khác nhau. Ông Toàn cho rằng các cơ quan quản lý cần nghiên cứu kỹ hơn để chuyển dịch, bố trí các trạm thu phí với khoảng cách 70km/trạm theo đúng quy định của Bộ Tài chính, vì việc điều tiết giãn cách không chỉ giảm chi phí cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải, mà còn tránh gây tâm lý nặng nề cho người tham gia giao thông.

Cũng theo ông Toàn, ở các nước, bên cạnh đường có thu phí còn có đường không thu phí để người dân lựa chọn tự nguyện theo nhu cầu của mình. Nếu ai có tiền thì chọn lưu thông trên đường tốt (có thu phí), ngược lại nếu không muốn đóng phí thì chọn đi đường xấu hơn.

Cũng theo kinh nghiệm của chuyên gia giao thông – tiến sĩ Phạm Sanh, khoảng cách tối ưu giữa các trạm thu phí ở các nước trên thế giới đều được bố trí trên bình diện cả nước, không có tình trạng chia nhỏ tuyến đường thành nhiều đoạn để đặt trạm thu phí. Riêng ở nước ta, tiến sĩ Phạm Sanh cho rằng nên tránh tình trạng để các địa phương tự lập trạm thu phí, mà đã đến lúc Chính phủ cần quy hoạch mạng lưới trạm thu phí trên cả nước dựa trên các mô hình tiên tiến, nhằm tránh gây lãng phí và áp lực cho người dân, doanh nghiệp trong lưu thông.

Bài, ảnh: Vân Bích

Dừng đặt trạm thu phí không đủ khoảng cách tối thiểu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu trước mắt tạm dừng bố trí mới các trạm thu phí không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70km giữa 2 trạm trên cùng một tuyến đường. Trong văn bản vừa ban hành, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện đề án Quy hoạch trạm thu phí BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) trên các tuyến QL. Trong thời gian chờ được phê duyệt, bộ và UBND các tỉnh, thành phố tạm dừng bố trí (trừ các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt). Trường hợp đặc biệt phải báo cáo Thủ tướng trước khi thực hiện. Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện nay trên các tuyến QL có 96 trạm thu phí đang và sẽ hoạt động khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó, có 45 trạm đang thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT, 51 trạm chưa thu đã thống nhất ký hợp đồng BOT và sẽ thu sau khi hoàn thành khoảng từ nay đến năm 2018.

T.G

 

Bình luận (0)