Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ngăn ngừa bệnh tật mùa mưa, ngập lụt

Tạp Chí Giáo Dục

Thực tế cho thấy vào mùa mưa nhất là gặp tình trạng đường phố nhà cửa ngập nước, bệnh tật sẽ tăng lên một cách đáng kể. Biết phòng ngừa và chữa trị đúng cách, chúng ta sẽ hạn chế được những tác nhân xấu do thời tiết mưa gió gây ra.

Bệnh nhân trong phòng chờ khám tại BV Da liễu TP.HCM

Bệnh từ nhẹ đến nặng

Có thể thấy, vào mùa mưa cảm lạnh và dịch cúm là những căn bệnh xảy ra phổ biến nhất nếu con người chủ quan không biết cách đề phòng để giữ gìn sức khỏe cho bản thân mình. Tuy nhiên, đây chỉ là căn bệnh nhẹ nhất vào thời điểm giao mùa mưa nắng nên có thể điều trị đơn giản nhất. Mặc dù hàng ngày vệ sinh chân tay rất sạch sẽ nhưng bà Trần Thị Hoài, ngụ P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức luôn bị bệnh ngoài da, nhất là thời điểm mùa mưa hàng năm. Theo lời kể của bà Hoài, do nền nhà xây thấp lại ở gần kênh nên tuần nào cũng bị ngập khi có mưa lớn hoặc triều cường. Đây là thủ phạm gây ra bệnh ghẻ ngứa do nước ăn chân cho những người trong gia đình bà và cả lối xóm khi “làm bạn” ngày 2 buổi với nước cống rãnh. Một đứa cháu gái của bà đang học lớp 6 cũng bị nấm kẽ chân do lội nước hàng ngày để đi học.

“Bên cạnh việc dùng thuốc, chúng ta cần tránh tạo các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm như thường xuyên thay giặt tất (vớ), hạn chế lội nước, đi đường về phải vệ sinh tay chân sạch sẽ. Đội mũ bảo hiểm lâu ngày dễ làm cho đầu có nấm do bí hơi nên sau khi đi đường cần gội đầu sạch sẽ. Thay quần áo sau khi lội nước hoặc bị mắc mưa…” – BS.CK1 Lê Bá Ngọc khuyên!

BS.CK1 Lê Bá Ngọc – Khoa Nội tổng quát (BV Nhân dân Gia Định) cho biết, nấm kẽ chân là tình trạng nhiễm nấm ở vùng bàn chân và các kẽ chân. Đây là tình trạng nhiễm nấm ngoài da thường gặp nhất. Các loại nấm này xâm nhập vào lớp sừng và có khả năng triệt tiêu chất sừng trên bề mặt da. Vì chứa các chất có khả năng ức chế đáp ứng miễn dịch của cơ thể và giảm sự sinh sản của tế bào sừng gây nên tình trạng nhiễm khuẩn mạn tính. Bên cạnh đó, da bàn chân lại không có tuyến bã nên đã góp phần làm tăng nguy cơ nhiễm nấm ở bàn chân. Đặc biệt, chân luôn bị ngâm nước hoặc bí hơi do mang giày tất thường xuyên cũng là “miếng mồi ngon” cho sự xâm nhập của các loại nấm. Mùa mưa, nguồn nước ô nhiễm còn là “chất xúc tác” để cho bệnh đau mắt đỏ bùng phát và lây thành dịch. Thường xuyên mặc áo mưa khi đi ra ngoài đường làm cho cơ thể bí, không thoát được mồ hôi cũng sinh ra các căn bệnh ngoài da khác. Một số người có làn da mẫn cảm, dễ bị dị ứng thường nổi mề đay gây ngứa và rất khó chịu nhất là khi ra gió hay mắc mưa.

Hạn chế tiếp xúc với nước bẩn

Theo BS Ngọc, bệnh nấm kẽ chân kẽ tay cần được điều trị với các thuốc chống nấm tại chỗ hoặc toàn thân hoặc phối hợp cả hai. Các thuốc chống nấm tại chỗ có thể được dùng trong 1-6 tuần. Những bệnh nhân với tổn thương dày sừng mạn tính ở gan bàn chân nên được dùng thuốc chống nấm tại chỗ ở cả mặt dưới và mặt bên của bàn chân. Lưu ý thêm, trong quá trình điều trị nấm bàn chân, khi triệu chứng mới thuyên giảm nếu bạn đột ngột ngưng dùng thuốc có thể làm bệnh nặng trở lại. Do đó, để biết rõ mình có mắc bệnh không, bạn nên đến BS chuyên khoa da liễu để được khám và được kê đơn một số lượng thuốc đủ để có thể dùng đủ lộ trình điều trị. Bên cạnh việc dùng thuốc, chúng ta cần tránh tạo các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm như thường xuyên thay giặt tất (vớ), hạn chế lội nước, đi đường về phải vệ sinh tay chân sạch sẽ. Đội mũ bảo hiểm lâu ngày dễ làm cho đầu có nấm do bí hơi nên sau khi đi đường cần gội đầu sạch sẽ. Thay quần áo sau khi lội nước hoặc bị mắc mưa.

Theo lời khuyên của BS, để phòng các bệnh trên, yếu tố vệ sinh môi trường sau mưa lũ rất quan trọng. Cần thực hiện vệ sinh môi trường theo nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. Đặc biệt cần đảm bảo vệ sinh nguồn nước, trong điều kiện mưa lũ không cung cấp được nước sạch mọi nước dùng trong sinh hoạt đều cần được khử khuẩn. Trong môi trường úng lụt nên đi ủng (giày chống nước) để phòng nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh. Cần thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Vệ sinh mắt, mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày để phòng bệnh đau mắt đỏ. “Ngoài ra, cần ăn chín uống sôi để ngăn ngừa các căn bệnh lỵ, tiêu chảy, thương hàn do các loại ký sinh trùng gây ra cho cộng đồng” – PGS.TS Bùi Khắc Hậu – Phòng khám Đa khoa Thiện Nhân khuyên.

Bài, ảnh: Quang Phan

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)