Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ngăn ngừa bệnh tiêu hóa ngày Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày Tết, ai cũng muốn có thật nhiều sức khỏe để vui chơi, thăm viếng mọi người. Tuy nhiên, nếu không biết đề phòng, Tết nhất sẽ mất vui vì có thể có nhiều bệnh tật tấn công làm cho mọi kế hoạch đã dự định trước bị “phá sản”.

Cần tiết chế việc ăn uống trong dịp Tết nhất là những người có tiền sử bệnh

Ngày thường có sức khỏe đã quý, vào dịp nghỉ Tết dài ngày phải đi lại nhiều, sức khỏe con người lại càng quý hơn bao giờ hết. Vì thế mọi người phải biết giữ gìn cho mình và cho người thân trong gia đình.

Nỗi khổ từ ngộ độc thực phẩm

Năm 2016, anh Long, cán bộ một trường ĐH ở Q.Thủ Đức “suýt” mất Tết vì một đợt tiêu chảy đúng ngày đưa ông Táo về trời Tết Bính Thân. Đã một năm trôi qua, bây giờ nhớ lại anh vẫn còn ngán ngẩm: “Đó là ngày cơ quan tổ chức liên hoan tất niên tại một nhà hàng trên đường Phạm Ngọc Thạch, P.6, Q.3. Tối hôm đó bắt đầu khoảng 10 giờ tôi ngủ không được vì đau bụng lâm râm và sau đó là tiêu chảy. Tưởng chỉ một vài lần là hết ai ngờ suốt đêm bị Tào Tháo rượt không biết bao nhiêu lần đến sáng mai rã rời người dậy không nổi”.

Có thể thấy, tiêu chảy là căn bệnh phổ biến nhất vào dịp Tết là nguyên nhân là do ngộ độc thực phẩm. Đó là khi “gia chủ” phải tiếp nạp một số thức ăn đã bị nhiễm vi sinh khuẩn do ôi thiu, mốc như các món gỏi chua, rau trộn để quá lâu. Các loại hải sản như ghẹ, tôm, cua, cá chết hoặc cất lâu ngày không còn tươi sống cũng là thủ phạm gây ra tiêu chảy. Tuy không bị ngộ độc thức ăn vào dịp Tết như anh Long, nhưng có nhiều người đến Tết ăn gì vào cũng đau bụng âm ỉ mà nguyên nhân là do dạ dày làm khổ. Những ngày Tết có người hay tái phát những cơn đau rất khó chịu không thể ăn uống được. Đó là những cơn khó chịu vùng thượng vị, đau cồn cào và âm ỉ không theo một quy luật nào theo kiểu “no đau mà đói cũng đau”. Những lúc đó “người trong cuộc” luôn cảm thấy nặng bụng, ruột lình xình ậm ạch như chứng khó tiêu. Có người còn lên cơn ợ hơi dù có giảm nhẹ cơn đau nhưng không chấm dứt được. Những ngày Tết, công việc nhiều không làm không được nên dễ bị căng thẳng thức khuya cùng với ăn uống không theo giờ giấc chính là tác nhân hành hạ dạ dày liên tục. Vốn đã dị ứng với các chất chua cay như bia rượu, các món dưa, dịp Tết bị nhồi nhét thêm nên bao tử cũng quá tải. Việc ăn uống điều độ, cầm chừng đều nằm trong tầm tay mọi người, nếu sa đà bệnh đau dạ dày tái phát thì chỉ làm cho chủ nhân thêm khổ sở, việc đón xuân hẳn mất vui. BS Đào Thị Yến Phi – ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch khuyên, tránh chất kích thích như bia rượu, hay thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh làm cho niêm mạc dạ dày bị xung huyết, co bóp mạnh dễ bị lên cơn đau có khi còn gây chảy máu.

Bệnh vào từ miệng

“Để tránh táo bón và các căn bệnh khác về đường ruột, mọi người cần ăn đủ các loại có chất xơ như rau củ, trái cây, các loại ngũ cốc, vừng đậu. Đặc biệt uống nhiều nước vào buổi sáng để tăng cường kích thích nhu động để ruột vận hành dễ hơn” – BS Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM hướng dẫn.

Cũng do nạp quá nhiều năng lượng mà nhiều người lại “dính” vào bệnh gut trong những ngày Tết. Các thực phẩm ngày Tết như giò chả, bánh chưng có chất dinh dưỡng cao nhiều đạm sẽ “đưa lối dẫn đường” cho căn bệnh này. Ngày thường những người cao niên hay phụ nữ mãn kinh hay “gặp” gut nhưng ngày Tết các nam thanh niên to khỏe cũng có thể vướng vào “căn bệnh nhà giàu” này. Bệnh gut hay “dành tặng” cho các thành viên thường xuyên có mặt bên bàn tiệc, ăn uống linh đình sáng say chiều xỉn. Biết kiềm chế khi ngồi vào mâm cỗ sẽ là cách tốt nhất để “goodbye” căn bệnh gut. Các BS đã đưa ra kết luận, trong các bệnh về ăn uống thì bệnh gut thiệt thòi nhất vì phải kiêng cữ các loại thức ăn ngon và bia rượu. Không chỉ tránh xa bia rượu mà còn phải nói không với thịt đỏ, hải sản và các loại rau mầm như giá, măng, nấm. Bia rượu không chỉ làm khổ dạ dày mà còn hành hạ cả gan trong 3 ngày Tết nhất là những người có tiền sử bệnh gan như viêm gan, gan nhiễm mỡ. Bệnh vào từ miệng quả không sai.

Trong lúc nhiều người “đi nhanh về chậm” trong mấy ngày Tết do ngộ độc thực phẩm thì có người lại khổ sở vì chứng táo bón. Táo bón gây đau vùng đại tràng và lúc nào cũng có nhu cầu đi vệ sinh nhưng ngồi lâu mà cũng như không làm cho chủ nhân luôn khó chịu nhất là lúc ngồi xe đi tàu. Ăn ngủ không đúng lúc, lì một chỗ lười vận động sớm muộn gì cũng “đụng đầu” táo bón. Ít ai ngờ rằng các loại thực phẩm như thịt mỡ dưa hành, bánh chưng bánh tét, nước ngọt có ga lại là “bạn thân” của bệnh đi cầu không được trong lúc đó lại luôn có mặt trên bàn tiệc.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)