Qua khảo sát, tất cả HS THCS đều thừa nhận mình từng nói dối (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: D.Bình
|
Nói dối là hành vi xảy ra ở nhiều người, trong đó có cả học sinh (HS). Đây được xem là một trong những hành vi lệch chuẩn. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiếm có đề tài nào lại nghiên cứu về vấn đề này.
Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với giảng viên Nguyễn Thị Diễm My (Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) – người vừa bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với đề tài Hành vi nói dối của HS một số trường THCS tại TP.HCM – xung quanh vấn đề này. Giảng viên Nguyễn Thị Diễm My cho biết:
– Lứa tuổi HS THCS có nhiều biến đổi về tâm sinh lý. Giai đoạn này nguyện vọng độc lập của các em phát triển mạnh mẽ, muốn người khác nhìn mình như là một người lớn, muốn được bình đẳng trong quan hệ với người lớn, muốn được độc lập trong việc lĩnh hội với tri thức, kinh nghiệm, chuẩn mực đạo đức xã hội và phương thức hành vi. Tuy nhiên, nguyện vọng của các em thường mâu thuẫn với khả năng thực tế, với quan điểm chưa thay đổi của người lớn về các em. Vì những mâu thuẫn đó dẫn đến quan hệ giữa các em với người lớn dễ xảy ra căng thẳng; các em dễ thể hiện thái độ chống đối với những yêu cầu của người lớn. Những yêu cầu của cha mẹ, nhà trường, xã hội và thậm chí những yêu cầu của chính bản thân có thể gây ra các áp lực đối với các em. Đây là những nguyên nhân gây ra trạng thái căng thẳng, bất an và là điều kiện cho sự xuất hiện hành vi lệch chuẩn (HVLC) ở tuổi thiếu niên. Trong tất cả các HVLC thì nói dối có thể được xem là hành vi đầu tiên và có mối quan hệ với các hành vi khác, đặc biệt là hành vi phạm pháp.
Hiện nay, có khá nhiều đề tài nghiên cứu về HVLC ở HS nhưng nghiên cứu cụ thể về hành vi nói dối (HVND) dưới góc độ HVLC thì hầu như không có. Nói dối là một khái niệm chưa rõ ràng, hành vi này được xã hội đánh giá theo nhiều chuẩn mực khác nhau. Số liệu về thực trạng HS THCS có HVND là những cơ sở quan trọng trong việc đề ra các phương pháp khắc phục một cách phù hợp. Xuất phát từ những nguyên nhân này mà chúng tôi thực hiện nghiên cứu đề tài.
Vậy thực trạng HVND của HS một số trường THCS trên địa bàn TP.HCM được thể hiện như thế nào, thưa bà?
– Qua khảo sát, tất cả HS thừa nhận mình đã nói dối, trong đó có 79,8% em thừa nhận mình đã nói dối ít nhất một lần. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi nói dối là đều không thể tránh khỏi trong cuộc sống và thật khó tìm được một thành viên nào của xã hội mà chưa từng nói dối. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là có đến 5,2% HS tự đánh giá là mình đã nói dối liên tục từ 2 tháng trở lên, 2,08% HS cho rằng mình đã nói dối liên tục từ 4 tháng trở lên và 12,9% HS cho rằng mình đã nói dối liên tục từ 6 tháng trở lên. Theo tiêu chí đầu tiên của DSM-4 (chẩn đoán của Hội Tâm thần học Hoa Kỳ), HVND xuất hiện liên tục trong vòng 6 tháng trở lên thì được xem là lệch chuẩn. Một HVND được xem lệch chuẩn khi nói dối để được đồ vật hay ân huệ, hay để tránh các nghĩa vụ. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong 62 HS THCS (12,9%) đã được sàng lọc ở tiêu chí 1 có 30 HS (6,3%) tự đánh giá là có nói dối xuất phát từ động cơ được đồ vật hay ân huệ, tránh nghĩa vụ và 6,6% cho rằng “không”…
Từ nghiên cứu này, bà có thể đưa ra một số biện pháp để khắc phục HVND ở lứa tuổi HS THCS?
Ở Việt Nam, các nghiên cứu về HVND dưới góc độ HVLC trong tâm lý học rất hiếm và hầu như không có. HVND phân tích dưới góc độ HVLC trong tâm lý học được xem như một HVLC xã hội. Đề tài đã khảo sát 480 HS THCS trên địa bàn TP.HCM và hơn 100 phụ huynh, giáo viên.
|
– Biện pháp chung nhất là tạo cho HS một môi trường sống thuận lợi để các em không gặp phải những áp lực và có thể trung thực trong cuộc sống.
Cụ thể, về phía gia đình, ba mẹ phải là tấm gương sáng cho con noi theo, hiểu được nguyện vọng độc lập và mong muốn trưởng thành của con (khuyến khích con giao lưu với những người bạn tốt, không nên hạn chế hay cấm đoán con trong mối quan hệ hay hoạt động giải trí lành mạnh), không đặt cho con quá nhiều áp lực về thành tích học tập, giáo dục lòng tự trọng để con biết tự điều chỉnh hành vi của mình và có cách ứng xử phù hợp… Về phía nhà trường và xã hội cần tuyên truyền, giáo dục hơn nữa; trong trường nhất thiết phải có phòng tư vấn tâm lý do nhà tâm lý đảm nhận để giảm thiểu tối đa số lượng HS có nguy cơ và biểu hiện HVND dạng lệch chuẩn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là bản thân HS phải ý thức những hậu quả mà HVND có thể gây ra, thẳng thắn nhận lỗi khi mắc lỗi, tự xây dựng cho mình đức tính trung thực trong từng công việc…
Dương Bình (thực hiện)
Các yếu tố nào ảnh hưởng đến HVND ở HS THCS?
Bà Nguyễn Thị Diễm My cho biết đã khảo sát3 nhóm với 12 yếu tố thì nhóm các yếu tố xuất phát từ gia đình như ba mẹ cấm đoán và hạn chế các mối quan hệ với con cái ảnh hưởng nhiều nhất đến hành vi này ở HS. Các yếu tố này cũng góp phần làm cho chất lượng của các mối quan hệ cha mẹ – con cái trở nên giảm sút. Minh chứng là khi yêu cầu HS THCS có HVND dạng lệch chuẩn đánh giá chung về chất lượng mối quan hệ giữa các em với cha mẹ thì có đến 57,9% cho rằng ở mức trung bình; 15,8% cho rằng ở mức xấu và có 9,2% cho rằng ở mức rất xấu. Tiếp theo là các yếu tố xuất phát từ nhà trường như: Nhà trường yêu cầu cao về thành tích học tập và cuối cùng là nhóm các yếu tố xuất phát từ bản thân HS như nhận thức chưa đầy đủ về sự phù hợp cũng như không phù hợp của HVND, sự bắt chước hành vi này ở người khác…
|
Bình luận (0)